Sự kiện nhằm mục đích chia sẻ, cập nhật thông tin, kết quả đạt được của Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng về tư pháp người chưa thành niên, trọng tâm hướng đến các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu nhằm thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật hiện hành về tư pháp người chưa thành niên tại Việt Nam.
Phiên thảo luận thuộc khuôn khổ Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (Dự án EU JULE) do Liên minh châu Âu tài trợ, với đóng góp tài chính từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti và Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flower đồng chủ trì Phiên thảo luận.
Phát biểu khai mạc tại Phiên thảo luận, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho biết, thể chế hóa chủ trương tiến bộ về bảo vệ trẻ em của Đảng trong thời gian qua, nhiều chính sách pháp luật liên quan đến trẻ em nói riêng, người chưa thành niên nói chung đã không ngừng được hoàn thiện thông qua việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật.
Theo Thứ trưởng, hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao cũng đang chủ trì xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Những quy định tại các văn bản pháp luật này đã và sẽ tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích của người chưa thành niên.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh, cùng với việc nỗ lực hoàn thiện pháp luật về bảo vệ người chưa thành niên, việc tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác thực thi pháp luật về tư pháp người chưa thành niên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính chiến lược. Thông qua công tác nghiệp vụ của các cán bộ thực thi pháp luật, các chính sách, quy định của pháp luật về bảo vệ người chưa thành niên liên quan đến pháp luật sẽ được hiện thực hóa, đi vào cuộc sống. Do đó, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp trong lĩnh vực tư pháp người chưa thành niên là hết sức quan trọng và cần thiết.
Để tăng cường hơn nữa việc bảo vệ quyền, lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên liên quan đến pháp luật, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị các chuyên gia, cán bộ thực tiễn cùng chia sẻ, đánh giá kết quả đạt được, cũng như nhận diện những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế này để đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ tư pháp người chưa thành niên, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ này chuyên nghiệp, có năng lực chuyên môn, kỹ năng giải quyết vụ việc một cách kịp thời, khách quan, hiệu quả. Qua đó góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp, trong đó có Luật Tư pháp người chưa thành niên một cách đồng bộ, hiệu quả.
Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flower nhấn mạnh, tiếp cận tư pháp là quyền của mọi trẻ em, cho dù các em là nạn nhân, nhân chứng của tội phạm, người vi phạm pháp luật hay có liên quan đến pháp luật vì những lý do khác. Tuy nhiên, trên khắp thế giới, vị thế phụ thuộc của trẻ em, mức độ phát triển não bộ của các em ở các độ tuổi khác nhau, trải nghiệm bị bỏ rơi, bạo lực hoặc bóc lột, thường làm cho các em cảm thấy bị cô lập và đơn độc, khiến các em dễ bị tổn thương hơn và tạo ra những khó khăn thực sự trong việc tiếp cận tư pháp.
Công ước Quyền trẻ em và các chuẩn mực quốc tế về tư pháp người chưa thành niên yêu cầu áp dụng các phương pháp tiếp cận chuyên biệt khi xử lý các vụ việc có liên quan đến trẻ em, áp dụng các thủ tục, kỹ năng và kỹ thuật khác biệt cơ bản với các thủ tục và kỹ năng áp dụng trong các vụ việc liên quan đến người thành niên.
Trong thập kỷ vừa qua, theo Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong việc lồng ghép tư pháp cho người chưa thành niên vào tiến trình cải cách tư pháp và luật pháp của đất nước. Nhiều thành tựu quan trọng đã được ghi nhận trong nhận xét kết luận gần đây nhất về Việt Nam của Ủy ban Quyền trẻ em. Ủy ban đặc biệt đánh giá cao việc quy định các biện pháp xử lý chuyển hướng, các thủ tục tố tụng thân thiện với trẻ em, các tiêu chuẩn đối xử tối thiểu đối với trẻ em khi tiếp xúc với hệ thống tư pháp, cũng như việc hình thành các Tòa Gia đình và người chưa thành niên với tư cách là các tòa chuyên trách về trẻ em.
Tuy nhiên, bà Rana Flower lưu ý, luật pháp cũng sẽ chỉ mong manh như tờ giấy viết ra luật nếu thi hành pháp luật và đầu tư ngân sách không được ưu tiên, nếu thiếu năng lực và cam kết thay đổi.
Do vậy, bà Rana Flower đề nghị, Việt Nam cần nhanh chóng hình thành Tòa Gia đình và người chưa thành niên ở tất cả các quận/huyện, phân công các thẩm phán, kiểm sát viên, cũng như cảnh sát chuyên trách về bảo vệ trẻ em ở Việt Nam; giới thiệu một chương trình đào tạo tư pháp người chưa thành niên cơ bản, mang tính quy chuẩn dành cho tất cả cán bộ tiến hành tố tụng được giao nhiệm vụ điều tra, truy tố và xét xử các vụ án liên quan đến người chưa thành niên. Việt Nam cũng cần nâng cao năng lực cho các chuyên gia tư pháp, giúp họ phục vụ và bảo vệ tốt hơn những trẻ em phải tiếp xúc với hệ thống tư pháp.
Tại Phiên thảo luận, trên cơ sở những chia sẻ của Việt Nam trong nâng cao năng lực chuyên sâu về tư pháp người chưa thành niên, Bộ Tư pháp cùng các cơ quan pháp luật, tư pháp, các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam đã nhận được những ý kiến đóng góp, đề xuất, kiến nghị và sự chung tay, góp sức của cộng đồng quốc tế, giúp các cơ quan có liên quan của Việt Nam hành động hiệu quả hơn trong việc tiếp tục nâng cao năng lực chuyên sâu về tư pháp người chưa thành niên, nhằm tăng cường bảo vệ người chưa thành niên có liên quan đến pháp luật.