Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến tổ chức và phát triển thị trường carbon, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến đề xuất bổ sung một số quy định. Quy định hệ thống đăng ký quốc gia về hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon bao gồm các quy định về: xây dựng, quản lý hệ thống đăng ký, quy trình đăng ký và trách nhiệm của các bên liên quan trong hệ thống đăng ký.
Nghị định mới cũng sẽ quy định rõ đối tượng cơ sở, doanh nghiệp bị áp trần phát thải (phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính) trong giai đoạn thí điểm; quy định về quản lý tín chỉ carbon hình thành theo các cơ chế tạo tín chỉ carbon quốc tế, bao gồm trách nhiệm và thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các dự án tạo tín chỉ carbon theo các cơ chế quốc tế. Quy định về quyền sở hữu tín chỉ carbon và các vấn đề liên quan. Quy định về hoạt động trao đổi mua, bán tín chỉ carbon trong nước và với quốc tế. Quy định về chế độ thông tin, báo cáo, cơ sở dữ liệu, hoạt động kiểm tra đối với hoạt động của dự án tạo tín chỉ carbon.
Hiện nay, các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon trên sàn giao dịch tín chỉ carbon, thị trường carbon trong nước đã được quy định tại Điều 19 của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Để hướng dẫn chi tiết các hoạt động đấu giá, chuyển giao, vay mượn, nộp trả hạn ngạch phát thải, sử dụng tín chỉ carbon để bù trừ phát thải khí nhà kính, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đưa nội dung này vào nội dung sửa đổi Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT, dự kiến ban hành tháng 9/2024.
Để tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon vừa thúc đẩy phát triển thị trường carbon vừa đảm bảo thực hiện Đóng góp quốc gia tự quyết định, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định. Việc ban hành Chỉ thị sẽ bảo đảm việc quản lý tín chỉ carbon trong tất cả các lĩnh vực chứ không chỉ tín chỉ carbon rừng, nhằm thực hiện các mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính.
Theo Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC), bằng nguồn ngân sách nhà nước, vốn vay, đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, đóng góp và đầu tư của người dân, Việt Nam đặt mục tiêu giảm 15,8% tổng lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030, tương đương với 146,3 triệu tấn CO2tđ. Nếu được quốc tế cung cấp tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực…, Việt Nam có thể nâng tổng mức đóng góp về giảm phát thải thành 43,5% vào năm 2030, tương đương với 403,7 triệu tấn CO2tđ.