Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội được thực hiện theo phương châm quản lý chặt chẽ, thận trọng, quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội nhằm bảo toàn sự bền vững của Quỹ.
Theo Bộ trưởng, điểm nổi bật trong năm 2019 là việc phát triển đối tượng bảo hiểm bắt buộc đạt nhiều kết quả tích cực khi số lượng tham gia ngày càng tăng. Bên cạnh đó, việc phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng có nhiều thành công. Phân tích nguyên nhân đạt được kết quả này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, sau khi Nghị quyết số 28-NQ/TW được ban hành, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp tăng lên. Bên cạnh đó, Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển lực lượng bảo hiểm xã hội nên một số địa phương đưa nội dung này vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đòi hỏi cả hệ thống phải vào cuộc.
Thảo luận tại Phiên họp, các đại biểu đánh giá cao Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong năm 2019 đã nỗ lực, cố gắng, đạt điều kết quả trong thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, một số đại biểu chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Bùi Sỹ Lợi nhận định, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài, trong đó doanh nghiệp trốn đóng vẫn chưa xử lý được. Việc hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nếu vẫn giữ nguyên hiện nay là 30% cho hộ nghèo, 25% cho hộ cận nghèo, 10% cho các hộ khác thì khó có thể đạt được mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Ngoài ra, cơ chế phối hợp xây dựng chính sách quản lý, điều hành vẫn còn hạn chế nhất định. Một số văn bản hướng dẫn của các cơ quan bảo hiểm xã hội, ngành y tế chưa thống nhất…
Từ những phân tích này, nhiều ý kiến đề nghị, các đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội tại Trung ương và địa phương, đặc biệt là việc trốn đóng bảo hiểm xã hội, quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội. Chính phủ cần nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng mở rộng đối tượng tham gia tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội cho toàn dân; thiết kế hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, hoàn thiện các quy định về đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, Chính phủ nghiên cứu sửa đổi quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật Ngân sách nhà nước tạo hành lang pháp lý giải quyết quyền lợi đối với người lao động trong các doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh hoặc có chủ bỏ trốn mà chưa đóng bảo hiểm xã hội…