Trọng tâm của phiên thảo luận là kêu gọi hợp tác các dự án hỗ trợ; huy động tình nguyện viên tham gia hợp tác hai bên; phục hồi các cuộc khủng hoảng về y tế và kinh tế sau dịch COVID-19…
Bám sát chủ đề của hội nghị là “Hợp tác địa phương: Động lực thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, toàn diện sau đại dịch COVID-19”, các ý kiến tại phiên thảo luận đã đề cập đến thực trạng, thách thức và đưa ra các giải pháp thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực.
Đề cập đến các công cụ hỗ trợ cho hợp tác giữa các địa phương, bà Morgane Millon, cán bộ Cục Ngoại vụ - Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp cho biết, hai công cụ chính đề Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp hỗ trợ dự án hợp tác giữa các địa phương là kêu gọi hợp tác để tài trợ và chương trình chứng nhận thế mạnh địa phương. Các dự án tài trợ sẽ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và Bộ có thể dành cho các địa phương Việt Nam với tổng mức tài trợ 50% dự án. Dự án được chấp nhận tài trợ là những dự án nhỏ, liên quan đến con người như đào tạo, nâng cao nhận thức cộng đồng, quyền công dân, hợp tác quốc tế…và nhiều địa phương của Việt Nam được thừa hưởng nguồn tài trợ này.
Bàn về vấn đề các ưu tiên hợp tác với các địa phương Việt Nam, bà Anne de Soucy, Giám đốc đối tác - Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), những năm qua, Cơ quan phát triển Pháp cùng với các đối tác, địa phương của Pháp và Việt Nam triển khai nhiều chương trình khác nhau. Hiện nay, Cơ quan phát triển Pháp đang tài trợ cho Hà Nội ba dự án là xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 3 Hà Nội, bảo tồn và phát huy giá trị tại Hoàng thành Thăng Long và dự án kiểm soát không khí. Bên cạnh đó, AFD tài trợ một dự án cho tỉnh Bình Định. Bên cạnh tài trợ về tài chính, AFD còn hỗ trợ tuyển dụng các chuyên gia đầu ngành cho Việt Nam. Nhấn mạnh về khả năng hợp tác, bà Anne de Soucy khẳng định sẽ sẵn sàng lắng nghe, trao đổi và hỗ trợ tốt nhất cho chương trình hợp tác với Việt Nam.
Trong vấn đề hợp tác y tế Việt Nam - Pháp và quản trị các cuộc khủng hoảng, ông Gildas Tresguler, Tổng Thư ký Hiệp hội Y tế Pháp - Việt cho biết, dù trong những năm qua, dịch COVID-19 hoành hành khắp thế giới, hợp tác y tế giữa Việt Nam và Pháp vẫn duy trì. Trong thời gian đó, Việt Nam tài trợ khẩu trang cho Pháp, Pháp hỗ trợ thiết bị y tế cho Việt Nam. Đồng thời, Hiệp hội Y tế Pháp - Việt tổ chức hội thảo cho khoảng 2.000 bác sĩ, chuyên gia của Việt Nam được tiếp cận các chuyên gia đầu ngành của Pháp về hồi sức cấp cứu. Ông cũng cho biết, hiện nay, Hiệp hội Y tế Pháp - Việt triển khai hợp tác ở nhiều lĩnh vực mới về chăm sóc, khám chữa bệnh và sản xuất thuốc; đồng thời hy vọng hai bên sẽ có những hợp tác phát triển mạnh mẽ hơn về lĩnh vực y tế.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng chia sẻ kinh nghiệm của địa phương và định hướng hợp tác với đối tác Pháp trong việc phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch COVID-19. Thành phố quyết tâm khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, thích ứng với tình hình mới trong công tác phòng, chống dịch, xây dựng và triển khai các phương án thích ứng an toàn góp phần phục hồi kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Cần Thơ có mối quan hệ hợp tác với đối tác Pháp như hợp tác với thành phố Nice trên các lĩnh vực văn hóa, du lịch, giáo dục, y tế; hợp tác với thành phố La Seyne-sur-Mer về công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch, y tế, giáo dục. Năm 2022, thành phố xuất khẩu hàng hóa sang Pháp là 18,98 triệu USD với các mặt hàng nông nghiệp, may mặc. Cần Thơ có 2 dự án ODA có vốn tài trợ từ Pháp với tổng mức đầu tư 55,83 triệu Euro. Ông mong muốn trong thời gian tới đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác với các đối tác Pháp trong nhiều lĩnh vực.
Chiều cùng ngày, các phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 12 sẽ tiếp tục.