Tham dự Phiên hội thảo chuyên đề này có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật
Trình bày tham luận đầu tiên tại Hội thảo chuyên đề về nội dung đẩy mạnh cải cách thể chế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều nghiên cứu trước đây đã ghi nhận mối quan hệ chặt chẽ giữa thể chế và phát triển. Mặc dù các quốc gia khác nhau có cách thức tổ chức kinh tế và chính trị không giống nhau, nhưng cdữ liệu nghiên cứu cho thấy có sự tương quan mật thiết giữa thứ hạng cao về chất lượng thể chế với sự thịnh vượng của một quốc gia. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khẳng định, hoàn thiện thể chế là yêu cầu có tính tất yếu, khách quan đối với sự phát triển của một quốc gia.
Đối với Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, cải cách và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, chú trọng trong quá trình đổi mới đất nước. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với quá trình cải cách và hoàn thiện thể chế của Việt Nam. Trong đó, có ba xu hướng lớn toàn cầu dự kiến sẽ ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện thể chế của nước ta, đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, sự tăng tốc của nền kinh tế số, sự gia tăng mạnh mẽ các sáng kiến xanh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, bối cảnh đặc biệt này không chỉ đặt ra yêu cầu khắc phục, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây nên mà còn phải tận dụng được những yếu tố thời cơ, thuận lợi, khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực để vượt qua giai đoạn khó khăn, tiến tới phục hồi và phát triển với tư duy, và tầm chiến lược mới.
Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác xây dựng, thi hành pháp luật; tăng cường năng lực cho các chủ thể tham gia công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Bên cạnh đó là tiếp tục nghiên cứu cải tiến quy trình lập pháp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật; tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra, rà soát văn bản, sơ kết, tổng kết việc thi hành.
Cơ chế giá đất xác định phù hợp với giá trị thị trường
Từ góc nhìn về tác động của các chính sách pháp luật đất đai đến thị trường bất động sản, Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cơ chế giá đất cho phát triển bất động sản phải xác định phù hợp với giá trị thị trường và sử dụng cơ chế thị trường trong lựa chọn các nhà đầu tư dự án phát triển bất động sản.
Cùng với đó, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất dành cho phát triển các công trình, dự án bất động sản phải phù hợp với chiến lược phát triển thị trường để đảm bảo các dự án được triển khai theo đúng tiến độ và đáng ứng đúng các nhu cầu về bất động sản phù hợp với qui mô, mức độ phát triển kinh tế xã hội.
"Đặc biệt là quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở dành cho các đối tượng chính sách xã hội theo tỷ lệ tối thiểu bằng 20-30% quỹ đất quy hoạch cho phát triển nhà ở thương mại trong cùng một địa bàn" - ông Hoàng Văn Cường đề xuất.
Bên cạnh đó, việc công khai quy hoạch, quản lý chặt chẽ quy hoạch đã phê duyệt, tránh những thay đổi làm phá vỡ tính đồng bộ, tổng thể của khu vực sẽ góp phần ổn định các chương trình phát triển thị trường bất động sản.
Cũng theo ông Hoàng Văn Cường, việc thay đổi cơ chế quản lý từ sử dụng các mệnh hành chính áp đặt sang sử dụng thống nhất cơ chế thị trường trong tiếp cận đất đai sẽ không chỉ chống thất thu, hạn chế tiêu cực tham nhũng từ đất, mà còn cho phép lựa chọn được nhà đầu tư bất động sản có năng lực sử dụng đất đai tốt nhất. Việc công nhận quyền sử dụng đất không được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao hợp pháp, không đi kèm với cơ chế thu hồi địa tô thông qua nghĩa vụ tài chính cũng là nguyên nhân thúc đẩy gia tăng các hoạt động đầu tư và giao dịch bất động sản không có đủ các điều kiện pháp lý, làm rối loạn thị trường bất động sản.
Trình bày tham luận về hoàn thiện chính sách đất đai, Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Luật Đất đai 2013 có chủ trương chủ đạo về cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch, từ đó đưa đất ra đấu giá để có thể thu tiền sử dụng và tiền thuê đất nhiều hơn cho Nhà nước. Tuy nhiên đến nay, việc thực hiện cơ chế thu hồi đất theo quy hoạch để đưa đất ra đấu giá còn khó khăn. Quỹ phát triển đất không đủ để giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất. Mặt khác, có thể thấy, cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch đòi hỏi lượng kinh phí rất lớn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là điều khó thực hiện, nhất là đối với khu vực đã thu hồi đất không được các nhà đầu tư quan tâm. Từ đó dẫn tới việc đất đai rơi vào tình trạng lãng phí do thu hồi nhưng không thể đưa vào sử dụng.
Ông Đặng Hùng Võ nhận định, trong 10 năm qua, Luật Đất đai 2013 không quy định về khái niệm “giá đất thị trường”. “Khuyết điểm” của các cấp có thẩm quyền ban hành Khung giá đất và Bảng giá đất thấp hơn thị trường chỉ nhận xét chung chung, không chứng minh được ai “có lỗi”, không có khái niệm pháp luật rõ ràng về “giá đất thị trường”.
Bên cạnh đó, tham luận tập trung đánh giá về quá trình 10 năm thi hành Luật Đất đai 2013 và so với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi; những vấn đề về đổi mới hệ thống tài chính đất đai; vấn đề cải cách hệ thống thuế sử dụng đất hay thuế bất động sản hoặc tài sản; nội hàm của dự án phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và giao, cho thuê theo chỉ định...