Theo đó, từ ngày 18/9 đến nay, số lượng địa chỉ IP của các máy tính nằm trong các mạng máy tính nhiễm virus (IP Botnet) đã giảm mạnh (từ hơn 2 triệu địa chỉ IP xuống còn trên 1,3 triệu). Trong số trên 900 nghìn lượt máy tính tham gia rà quét mã độc có trên 300 nghìn máy (chiếm tới 1/3) máy tính bị lây nhiễm mã độc đã được các đơn vị tham gia chiến dịch phát hiện và hỗ trợ bóc gỡ.
Chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020” được Bộ Thông tin và Truyền thông giao Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) chủ trì, phối hợp cùng các các doanh nghiệp trong và ngoài nước (các tập đoàn VNPT, Viettel, BKAV, FPT, CMC, Hanoi Telecom...). Đây là chiến dịch quy mô lớn, được triển khai trên diện rộng, hướng tới việc đảm bảo an toàn, lợi ích của cộng đồng, doanh nghiệp, cá nhân và gia đình có thiết bị kết nối internet trên môi trường mạng.
Mục tiêu của chiến dịch là giảm 50% tỷ lệ lây nhiễm mã độc, giảm 50% số lượng địa chỉ IP của hệ thống máy tính của Việt Nam nằm trong 10 mạng máy tính nhiễm virus (còn gọi là mạng ma, mạng botnet) phổ biến nhất toàn cầu. Các đơn vị thực hiện chiến dịch quyết tâm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách top đầu về tỷ lệ lây nhiễm mã độc trong báo cáo của các hãng bảo mật, công nghệ thông tin lớn trên thế giới.
Đảm bảo an toàn trên không gian mạng là tạo cơ sở để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, bởi, bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số. Tham gia chiến dịch, các đơn vị chuyên sâu về công nghệ thông tin cung cấp các công cụ kiểm tra, xử lý, bóc gỡ mã độc nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng khi sử dụng máy tính, thiết bị kết nối internet trên không gian mạng. Các phần mềm phòng chống mã độc có chất lượng tốt hiện được chính các đơn vị cung cấp cập nhật, cho phép sử dụng miễn phí trên website có địa chỉ “https://khonggianmang.vn”. Các phần mềm hỗ trợ xử lý mã độc được đăng tải cụ thể thông tin về đơn vị thực hiện, đồng thời có số điện thoại, địa chỉ email nên mọi người có thể liên hệ để được hỗ trợ trực tiếp. Trên trang thông tin còn có danh sách các mã độc phổ biến, gây nhiều ảnh hưởng xấu tại Việt Nam thời gian gần đây.
Sau 3 tuần triển khai, đã có hơn 5 triệu lượt tiếp cận chiến dịch qua nhiều kênh thông tin trên mạng internet, các website, mạng xã hội... Nhiều cá nhân, tổ chức đã tham gia truy cập, rà soát, bóc gỡ miễn phí cho hàng nghìn máy tính của doanh nghiệp, cá nhân bị nhiễm virus, mã độc. Số lượt đơn vị, cá nhân liên hệ phản hồi qua các kênh thông tin về chiến dịch đạt khoảng 17.000 lượt.
Từ ngày 1/10 đến nay, trên website của chiến dịch (tại địa chỉ https://khonggianmang.vn/chiendich2020), Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) đã cho ra mắt bản đồ thời gian thực về kết quả rà soát mã độc theo vùng trên lãnh thổ Việt Nam và biểu đồ thực trạng triển khai chiến dịch theo các khu vực miền Bắc (đại diện là Hà Nội), miền Trung (đại diện là Đà Nẵng), miền Nam (đại diện là Thành phố Hồ Chí Minh). Bản đồ này góp phần hỗ trợ cho công tác đo lường kết quả của việc thực hiện chiến dịch rà soát, bóc gỡ mã độc; tạo thuận tiện cho cộng đồng theo dõi các thông số. Ngoài ra, website còn cung cấp thông tin cơ bản về chiến dịch để mọi người quan tâm tìm hiểu dưới hình thức câu hỏi và trả lời.
Giám đốc Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) Trần Quang Hưng, cho biết, từ số liệu được hiển thị trên bản đồ, biểu đồ, người xem có thể biết được tương quan số máy tính nhiễm mã độc được rà soát, bóc gỡ giữa các vùng, địa phương. Từ đó, mọi cá nhân, đơn vị đều có thể nắm bắt được kết quả của chiến dịch rà soát, bóc gỡ mã độc quy mô lớn đang được NCSC cùng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng triển khai.
Theo nghiên cứu của một số hãng bảo mật uy tín đã khảo sát trên phạm vi toàn cầu, tình trạng lây nhiễm mã độc tại Việt Nam thời gian gần đây mặc dù có giảm song vẫn ở mức cao so với các nước trên thế giới.
Số liệu thống kê thực tế tại thời điểm trung tuần tháng 9/2020 cho thấy, Việt Nam có khoảng 16 triệu địa chỉ máy tính đang theo giao thức internet thế hệ 4 (gọi tắt là IPv4), trong đó khoảng 3 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong danh sách đen của nhiều tổ chức quốc tế; hơn 2 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong các mạng máy tính bị nhiễm virus lớn nhất toàn khu vực và quốc tế.