Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Thường trực Ban Chỉ đạo và Tổ biên tập đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý; các bộ, ngành, địa phương để xây dựng Báo cáo tổng kết, đồng thời phối hợp tốt với các cơ quan liên quan tổ chức hội thảo, tọa đàm với các nội dung bám sát yêu cầu tổng kết Chỉ thị, cũng như thực tiễn, bối cảnh mới đặt ra.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập tập trung thảo luận, tham gia ý kiến về một số nội dung chủ yếu như: Đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân khách quan, chủ quan, phản ánh chính xác thực tiễn; làm rõ vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng; phân tích về bối cảnh mới đặt ra, cả bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước, dự báo xu thế phát triển, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến thị trường lao động...
Bên cạnh đó, cho ý kiến một số vấn đề cụ thể như: Đào tạo lao động; hài hòa các mối quan hệ lao động; quyền lợi các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vấn đề hội nhập quốc tế, các cam kết với quốc tế; đánh giá trình độ lao động của nước ta, năng suất lao động, chất lượng lao động thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Tại cuộc họp, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An đã báo cáo tóm tắt về một số vấn đề lớn liên quan đến việc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 16-CT/TW. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã thảo luận, tham gia ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng kết, tập trung vào một số nội dung như: Phân tích tình hình thực tế về lao động làm việc ở nước ngoài, công tác đào tạo chuyên môn, tay nghề, tăng thu nhập cho người lao động; tình hình các thị trường trên thế giới; bảo hộ lao động làm việc ở nước ngoài…
Kết luận Hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cảm ơn các đại biểu đã tích cực đóng góp những ý kiến sâu sắc; bám sát theo tinh thần của Chỉ thị 16-CT/TW, góp ý vào dự thảo báo cáo về mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nội dung; phân tích tồn tại, hạn chế, các vấn đề trong bối cảnh mới... nhằm hoàn thiện dự thảo Báo cáo tổng kết đạt chất lượng tốt nhất.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị Tổ biên tập tiếp tục nghiên cứu ý kiến của các đại biểu; phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện báo cáo và các văn bản khác để đảm bảo chất lượng công tác tổng kết Chỉ thị trình Ban Bí thư theo đúng kế hoạch đã đề ra.