Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa ký ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Chú thích ảnh
Nông dân xã Long Hòa, thị xã Gò Công (Tiền Giang) thiếu nước phục vụ sản xuất do hạn hán nghiêm trọng. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Chỉ thị nêu rõ: Những năm gần đây, tình hình thiên tai ở nước ta diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan, bất thường. Các vùng, miền trong cả nước đã phải hứng chịu hầu hết các loại hình thiên tai (trừ sóng thần), gây tổn thất nặng nề về người, tài sản (khoảng 1 - 1,5% GDP/năm), ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống, sản xuất của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương lãnh đạo và tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác này cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém với nguyên nhân khách quan và chủ quan; trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. 

Trước xu thế biến đổi khí hậu, nước biển dâng diễn ra nhanh, phức tạp, thiên tai ngày càng gia tăng, bất thường, cực đoan, gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng, đặt ra yêu cầu công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới phải có sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm giảm nhẹ thiệt hại, phát triển bền vững đất nước.

Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm .

Trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần xác định công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; quán triệt sâu sắc quan điểm chủ động phòng ngừa là chính, kết hợp với các biện pháp thích ứng phù hợp, tôn trọng quy luật tự nhiên, thay đổi tư duy phát triển, bảo đảm phát triển bền vững.

Các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn; chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tạo sự thống nhất cả về nhận thức và hành động trước tình hình, tác động tiêu cực ngày càng phức tạp của thiên tai.

Đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền sửa đổi hệ thống pháp luật theo hướng khắc phục các chồng chéo, xung đột, bổ sung các quy định mới, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, khả thi; hoàn thiện cơ chế để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, chỉ huy; có chính sách đặc thù cho lực lượng làm công tác này.

Đặc biệt, cần nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy; chú trọng ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu cơ bản về thiên tai, hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng chuẩn hóa và hiện đại; tăng cường rà soát, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước, nhất là đối với các sông xuyên biên giới; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp với đặc điểm thiên tai, điều kiện từng vùng, miền.

Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, đa dạng hóa việc huy động nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn lực theo phân cấp, đúng thẩm quyền; rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, từng bước đầu tư xây dựng, nâng cao khả năng chống chịu thiên tai của hệ thống kết cấu hạ tầng. Cụ thể, đối với khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, cần đảm bảo an toàn nơi ở cho đồng bào; tăng cường quản lý, kiểm soát, không để người dân làm nhà lấn chiếm lòng sông, suối, khu vực rủi ro thiên tai, giảm nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.

Đối với vùng Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, cần bảo đảm an toàn đê điều, hồ chứa. Đối với vùng duyên hải miền Bắc, miền Trung, cần nâng cao năng lực ứng phó lũ lớn, bão mạnh và siêu bão, sạt lở bờ biển. Đối với vùng Tây Nguyên, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Đối với vùng Nam Bộ, cần chủ động ứng phó, thích ứng với lũ lớn, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất…

Bên cạnh đó, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cần nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước trên cơ sở củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ Trung ương đến cơ sở; phát triển khoa học - công nghệ, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này; phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và nhân dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai...

TTXVN/Báo Tin tức
Sửa cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai
Sửa cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 37/2019/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg ngày 19/01/2016 về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN