Hội thảo nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn tổng kết Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40-CT/TW), nhất là đề xuất các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới, từ đó, tín dụng chính sách tiếp tục phát huy vai trò, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm.
Bên cạnh đó, Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận về thực trạng hoạt động của tín dụng chính sách xã hội sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW (Kết luận số 06-KL/TW); phân tích kết quả đạt được; hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân của thành tựu và hạn chế. Các đại biểu tham gia Hội thảo cùng phân tích bài học kinh nghiệm, đánh giá về tình hình trong nước, quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới.
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn khẳng định, tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng. Chỉ thị số 40-CT/TW ra đời đã đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Các nhà khoa học, chuyên gia, nhà lãnh đạo, quản lý thống nhất, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, đối tượng được hưởng thụ chính sách ngày càng được mở rộng; mức cho vay ngày càng được nâng cao và thời hạn cho vay dài hơn. Nguồn vốn tín dụng chính sách có sự tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, số lượt người được vay vốn tín dụng ngày càng tăng, chất lượng tín dụng được nâng cao. Ngân hàng chính sách xã hội đã thiết lập được mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, phương thức cho vay đặc thù, hiệu quả, phù hợp, phát huy được vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị...
Bên cạnh đó còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc như một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Một số chính sách tín dụng có mức vay còn thấp, chậm được điều chỉnh, chưa phù hợp với nhu cầu đầu tư, thực tế diễn biến của giá cả thị trường. Chất lượng tín dụng chưa đồng đều giữa các vùng, địa phương. Việc lồng ghép, phối hợp giữa các chương trình, dự án kinh tế - xã hội với tín dụng chính sách xã hội chưa hiệu quả...
Đứng trước bối cảnh mới và những vấn đề đặt ra đầy khó khăn, thách thức, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà lãnh đạo, quản lý đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tính dụng chính sách xã hội như tiếp tục phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Chị thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06- KL/TW; tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với tín dụng chính sách xã hội; hoàn thiện cơ chế, chính sách về huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính, về đối tượng, địa bàn, mức cho vay, lãi suất vay…
Bên cạnh đó là cân đối, ưu tiên nguồn ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương; thu hút các nguồn vốn hợp pháp khác cho tín dụng chính sách xã hội; tăng cường sự phối hợp của các cấp, ngành trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội; phát huy hơn nữa hiệu quả, vai trò của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội và thực hiện hoạt động nhận ủy thác. Nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội; chú trọng công tác sơ, tổng kết, nhân rộng các mô hình tốt, điển hình tiên tiến trong sử dụng hiệu quả vốn tín dụng chính sách xã hội.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về kết quả thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; tín dụng chính sách xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; giải pháp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm phát huy hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tín dụng chính sách; duy trì số dư tiền gửi 2% tại Ngân hàng Chính sách xã hội; nâng cao năng lực tài chính, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trong bối cảnh mới...
Các chuyên gia, nhà quản lý cũng thảo luận về: huy động, phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn vốn; đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội; vai trò, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội; bối cảnh tác động và những vấn đề đặt ra đối với tín dụng chính sách xã hội; định hướng và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.