Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, sáng 31/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số ý kiến còn khác nhau của Dự thảo Luật hòa giải cơ sở.
* Tăng cường xã hội hóa công tác hòa giải cơ sở
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật hòa giải cơ sở nêu rõ: Dự thảo Luật hòa giải ở cơ sở đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ tư. Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với quan điểm của Chính phủ về việc xây dựng dự án Luật và đề nghị dự án Luật cần nhấn mạnh quan điểm tăng cường xã hội hóa và chú trọng yếu tố tự nguyện, tự quản, tự quyết của nhân dân trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; bổ sung quy định để phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tính nhân văn trong cộng đồng dân cư.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát và chỉnh lý các quy định liên quan đến: quyền tự nguyện, tự quyết của các bên trong quá trình hòa giải; vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc trong việc lựa chọn, giới thiệu, bầu hòa giải viên; trách nhiệm trong tổ chức hoạt động hòa giải ở cơ sở, vận động các bên thực hiện kết quả hòa giải; tính không bắt buộc về giá trị pháp lý của kết quả hòa giải ở cơ sở; phạm vi quản lý nhà nước tập trung chủ yếu vào việc ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn, biên soạn tài liệu và bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng cho hòa giải viên…
Tại buổi làm việc, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về những nội dung còn khác nhau của dự thảo Luật hòa giải cơ sở như: phạm vi điều chỉnh; phạm vi hòa giải cơ sở; tiêu chuẩn hòa giải viên; kinh phí hoạt động hòa giải ở cơ sở…
* Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên trong hoạt động hòa giải cơ sở
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu đề nghị dự án Luật cần phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên trong hoạt động hòa giải cơ sở. Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) cho rằng: Dự thảo Luật có đề cập đến vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên trong giải quyết hòa giải. Tuy nhiên, các quy định trong dự thảo luật chưa rõ nét, còn chung chung. Đại biểu lý giải, tổng kết 13 năm thực hiện pháp lệnh về hoạt động hòa giải cơ sở cho thấy, 80% các vụ hòa giải có sự đóng góp quan trọng của MTTQ và các tổ chức thành viên. Thực tế, nhiều vụ tranh chấp được thực hiện thành công không cần đến các hòa giải viên ở các tổ hòa giải mà do các tổ chức thành viên của MTTQ đứng ra giải quyết hoặc do những người có uy tín trong cộng đồng dân cư dàn xếp. Đại biểu đề nghị dự thảo luật cần mở rộng đối tượng hòa giải viên, bổ sung thêm quy định các tổ chức đoàn thể cũng được phép thành lập tổ hòa giải nhằm tăng cường xã hội hóa công tác hòa giải.
Cùng quan điểm này, đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) cho rằng dự thảo Luật vẫn nặng tính hành chính chưa thực sự phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên .
* Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở
Điều 7, dự thảo luật quy định hòa giải viên phải có kiến thức pháp luật, đồng tình với quan điểm này, nhiều đại biểu cho rằng: ngoài đạo đức, uy tín, khả năng thuyết phục, hòa giải viên cần có hiểu biết pháp luật để có thể giải thích, thuyết phục các bên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Tuy nhiên, theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), quy định tiêu chuẩn hòa giải viên sẽ ràng buộc các hòa giải viên vào những kỹ năng quy định trong Luật. Trên thực tế, vụ việc có hòa giải thành công hay không lại tùy thuộc vào kỹ năng, phương pháp riêng của từng người, mỗi người có cách tiếp cận và giải quyết vấn đề khác nhau mà không cần bó buộc trong những quy định cụ thể. Đại biểu đề nghị, dự thảo Luật nên quy định theo hướng mở, tùy thuộc và từng tình huống, vụ việc cụ thể mà áp dụng các biện pháp thích hợp để hòa giải đạt hiểu quả.
Nhiều đại biểu băn khoăn về tính khả thi của quy định tiêu chuẩn hòa giải viên. Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) cho rằng không phải nơi nào ở cộng đồng dân cư cũng có thể tìm đủ số người theo tiêu chuẩn có hiểu biết pháp luật để tham gia làm hòa giải viên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo... Đại biểu đề nghị cần xác định và coi tiêu chuẩn “có hiểu biết pháp luật” là tiêu chuẩn mang tính linh hoạt, không cứng nhắc.
Liên quan đến phạm vi hòa giải, đại biểu Lâm Lệ Hà (Kiên Giang) cho rằng Điều 3 dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi hòa giải, tuy nhiên khó bao quát và liệt kê được hết các trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong thực tế. Một số trường hợp có thể lợi dụng hoạt động hòa giải để trốn tránh trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm hành chính. Đại biểu đề nghị Điều 3 của dự thảo Luật cần được quy định theo hướng loại trừ. Theo đó, chỉ quy định những vụ, việc không được hòa giải ở cơ sở.
Nhất trí với phương án nhà nước đảm bảo kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở, tuy nhiên, đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) đề nghị nên thay cụm từ “hỗ trợ” bằng cụm từ “bảo đảm kinh phí”. Theo đại biểu, từ “hỗ trợ” không có tính bắt buộc, quy định quá chung chung, chưa có mức hỗ trợ cụ thể, dẫn đến nhiều cách hiểu và thực hiện khác nhau.
Dự thảo Luật Hòa giải ở cơ sở sẽ được tiếp thu, chỉnh lý và thông qua vào cuối kỳ họp này.
Khiếu Tư