Đỗ xe trên phố Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội). Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Về việc tăng mức phí sử dụng vỉa hè, lòng đường khu vực nội đô Hà Nội, ông Trần Xuân Hà, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, đang nắm bắt dư luận, thông tin báo chí và sẽ trao đổi lại với ngành chức năng để sớm có phản hồi. Hiện nay, Hà Nội cũng mới chỉ lấy ý kiến của người dân, chuyên gia về mức thu phí này.
Trước đó, UBND Thành phố Hà Nội có tờ trình gửi Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố và lấy ý kiến về chủ trương sửa đổi quy định tại Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND về phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố vào mục đích sản xuất, kinh doanh… theo hướng tăng so với mức hiện hành.
Cụ thể, theo đề xuất, phí lòng đường, hè phố sử dụng để trông giữ ô tô tại khu vực lõi đô thị (gồm 12 tuyến tại quận Hoàn Kiếm), trong đó có phố Nguyễn Xí, Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Hàng Ngang, Hàng Đào… sẽ tăng từ mức 80.000 lên 240.000 đồng/m2/tháng (gấp 3 lần).
Lòng đường, hè phố các tuyến còn lại của quận Hoàn Kiếm và các tuyến phố nằm trong khu vực đường vành đai 1 tăng từ 60.000 lên 150.000 đồng/m2/tháng. Lòng đường, hè phố các tuyến nằm trong đường vành đai 2, vành đai 3 tăng từ 45.000 đồng - 60.000 đồng lên từ 60.000 đồng – 80.000 đồng/m2/tháng.
Tương tự, phí lòng đường, hè phố sử dụng để trông giữ xe máy tại khu vực lõi đô thị (gồm 12 tuyến tại quận Hoàn Kiếm) tăng từ 45.000 đồng lên 135.000 đồng/m2/tháng; khu vực từ đường vành đai 1 đến vành đai 3 có mức tăng 45.000 đồng đến 90.000 đồng/m2/tháng…
Mức phí đối với các tuyến đường, phố còn lại của các quận từ đường vành đai 3 trở ra; thị xã Sơn Tây và các huyện ngoại thành được giữ nguyên.
Điều kiện cấp phép tối thiểu đối với việc sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để sử dụng vào mục đích trông giữ phương tiện, kinh doanh, trung chuyển vật liệu xây dựng là 1/2 tháng, bình quân 1 tháng có 30 ngày, trường hợp cấp phép tối thiểu hoặc chỉ cấp phép cho sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố từ 16 ngày trở xuống/1 tháng dùng hệ số điều chỉnh 0,5 với mức thu của từng vị trí trên.
Dự thảo sẽ được xem xét tại kỳ họp thứ năm, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV diễn ra vào đầu tháng 12/2017. Lý giải nguyên nhân tăng phí sử dụng vỉa hè khu vực nội đô Hà Nội, tại buổi lấy ý kiến phản biện tại Mặt trận tổ quốc Hà Nội mới đây, lãnh đạo Hà Nội cho rằng nhằm hạn chế phương tiện cá nhân; giảm vi phạm của các tổ chức trông giữ, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; tăng thu thu cho ngân sách nhà nước (thông qua phí, thuế...); tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các bãi đỗ xe cao tầng, bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe hiện đại; việc triển khai ứng dụng điểm đỗ xe thông minh - Iparking trong thời gian vừa qua đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của người dân.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng lý do Hà Nội đưa ra mức tăng phí sử dụng vỉa hè khu vực nội đô Hà Nội chưa thuyết phục. Đối với mục tiêu để hạn chế xe cá nhân, thành phố đã có một đề án đã được thông qua. Tiếp đến là chủ trương thành phố đang hướng đến hạn chế xe cá nhân nhưng trên nhiều tuyến phố trung tâm vẫn có những điểm đỗ xe được thành phố cho thuê mặt bằng, tạo thuận lợi cho người đi xe cá nhân. Điều này sẽ mâu thuẫn với chủ trương hạn chế xe cá nhân.
Trong khi đó, luật sư Minh Anh cho rằng, mục tiêu tăng phí là nhắm vào tổ chức trông giữ xe và sẽ gián tiếp khuyến khích các tổ chức này thu phí trông xe của người dân tăng cao. Trong khi mức giá trông xe tại nhiều điểm trông giữa xe tại khu vực nội thành Hà Nội thường thu cao so với quy định hiện này. Thành phố nên hướng tới chấn chỉnh bãi xe lậu, xe dù bến cóc tăng giá vô tội vạ rồi tính đến tăng mức phí bãi để xe.
Bà Nguyễn Thị Lan (phố Lò Sũ) cho rằng, chức năng của vỉa hè, lòng đường giành cho giao thông, chỉ có những tuyến đường, vỉa hè còn đủ rộng, không phải là trục lưu thông chính thì mới cho thuê lại.