Phiên toàn thể Đối thoại giữa các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC với Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) ngày 10/11. Ảnh: TTXVN |
Tại nhiều hội nghị, các đại biểu đã nhấn mạnh đến yếu tố cân bằng trong phát triển, trong đó phải phát triển bao trùm ở ba lĩnh vực: Kinh tế, tài chính và xã hội. Từ đó, giúp giải quyết những vấn đề tồn tại ở các nền kinh tế thành viên APEC như: Giảm nghèo bền vững, hỗ trợ đối tượng yếu thế (phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật…). Phát triển bao trùm thể hiện rõ nét nhất ở lĩnh vực giảm nghèo bền vững mà nền kinh tế Việt Nam là một điển hình.
Sớm đạt mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ 1 Theo đánh giá gần đây nhất của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Việt Nam đã đạt được thành tích nổi bật trong việc giảm số người bị đói từ 46,9% giai đoạn 1990 - 1992 xuống còn 9% trong giai đoạn 2010 - 2012, đạt Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ 1.
Báo cáo mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, đến cuối năm 2017, ước tỷ lệ hộ nghèo bình quân của Việt Nam giảm còn dưới 7% (giảm 1,3% so với cuối năm 2016). Trong đó, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 40%; bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3 - 4% so với năm 2016.
Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn lực ngân sách Trung ương dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là hơn 41 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn đã giao năm 2016 - 2017 là hơn 14 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,18 %. Ngoài ra, trong hai năm 2016 - 2017, ngân sách Nhà nước đã bố trí trên 44 nghìn tỷ đồng để thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên, hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng.
Các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững như Chương trình 30a; Chương trình 135... đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận như việc hỗ trợ đưa lao động thuộc hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Trong 9 tháng năm 2017, các đơn vị chức năng đã tổ chức đào tạo tiếng Hàn cho 566 lao động thuộc đối tượng tham gia kỳ thi tiếng Hàn ngành nông nghiệp 2017 với tổng giá trị hợp đồng hơn 4 tỷ đồng.
Trong hai năm 2016 - 2017, nguồn vốn từ các chương trình này đã hỗ trợ đầu tư gần 2.000 công trình, cơ sở hạ tầng thiết yếu. Ngoài ra, các mô hình giảm nghèo ở các vùng đặc thù, mô hình liên kết giữa người nghèo với doanh nghiệp; mô hình giảm nghèo gắn với củng cố an ninh quốc phòng giúp tăng thu nhập của các hộ nghèo từ 15 - 20%. Bình quân mỗi năm có ít nhất 15% hộ gia đình tham gia các dự án này thoát nghèo.
Cùng nhau phát triển Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra cho biết, phát triển bao trùm là một trọng tâm của Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc, phản ánh nguyên tắc “không bỏ ai lại phía sau” và tầm nhìn của Liên hợp quốc về “xây dựng một thế giới công bằng, bình đẳng, bao dung, cởi mở và bao trùm về xã hội, trong đó mọi nhu cầu của những đối tượng dễ bị tổn thương nhất đều được đáp ứng”.
Đại diện điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Số người đói nghèo ở khu vực APEC đã giảm từ 204 triệu người năm 2005 xuống còn 185 triệu người năm 2015. Tuy nhiên, nhiệm vụ của các chính phủ không chỉ là hỗ trợ những người nghèo thoát nghèo mà còn cần bảo đảm rằng, những người ở trên ngưỡng nghèo đói sẽ không rơi lại vào tình trạng đói nghèo. Tại Việt Nam, trong vài thập niên qua, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách xóa đói, giảm nghèo ở các vùng nông thôn và các dân tộc thiểu số nhưng vẫn còn một phần lớn dân số Việt Nam là các hộ nghèo và thu nhập thấp, điều này ảnh hưởng đến nền kinh tế của Việt Nam.
Theo ông Kamal Malhotra, để APEC phát triển bền vững trong giai đoạn sắp tới, APEC, đặc biệt các nền kinh tế mới nổi trong APEC, cần tạo thêm nhiều việc làm có năng suất cao và thỏa đáng, cần tăng cường đầu tư vào đào tạo nghề, giáo dục bậc cao, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, thúc đẩy bình đẳng giới và tham gia của phụ nữ vào kinh tế, bảo đảm mọi thành phần xã hội đều được tham gia vào phát triển, cùng được hưởng các lợi ích của phát triển…
Đồng quan điểm, tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017 đang diễn ra tại Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Công ty Chiến lược Bay Global, bà Virginia Barclay Foote cho rằng, phát triển bao trùm và bền vững là một ưu tiên quan trọng, cần thiết đối với bất kỳ nền kinh tế nào. Phát triển bao trùm và bền vững, theo bà Virginia Barclay Foote, có nghĩa là phải cùng nhau phát triển không phân biệt điều kiện, giới tính, dân tộc…
Tại những cuộc đối thoại trong khuôn khổ APEC, các đại biểu đã thảo luận nhiều biện pháp thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm; xóa bỏ các rào cản thương mại đối với những sản phẩm đóng góp trực tiếp cho phát triển; nâng cao vai trò của thương mại trong công cuộc giảm nghèo bền vững và phát triển nông thôn.
Cũng theo ông Craig Katerberg, đại biểu đến từ nền kinh tế Australia, APEC cần thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm và sáng tạo, đưa các thành phần trong xã hội đặc biệt là các đối tượng yếu thế như phụ nữ, thanh niên khởi nghiệp, người khuyết tật cùng tham gia, thụ hưởng từ sự phát triển và thịnh vượng chung.
Tăng trưởng sẽ không thể bền vững nếu không bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, trong đó chú trọng đẩy mạnh cải cách cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực sáng tạo và cạnh tranh của cả nền kinh tế và các doanh nghiệp; chú trọng bảo vệ môi trường và xử lý các tác động ngày càng bất lợi từ biến đổi khí hậu, thiên tai và các thách thức về kinh tế - xã hội.
Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo
Tại các hội nghị trong khuôn khổ Năm APEC 2017, đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC cho rằng, mặc dù khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là đầu tàu tăng trưởng kinh tế khu vực và thế giới nhưng sự tăng trưởng đó chưa thực sự bao trùm, khoảng cách giàu - nghèo vẫn còn lớn. Điều này sẽ dẫn đến sự không công bằng cho các đối tượng yếu thế như phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật…
Các đại biểu cho rằng, nhiệm vụ đặt ra hiện nay đối với APEC là bảo đảm tăng trưởng bao trùm và sáng tạo, trong đó tăng trưởng bao trùm phải đi đôi với tăng trưởng sáng tạo, bởi đổi mới, sáng tạo chính là nguồn gốc của tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng sống.Trong khi đó, đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tăng trưởng bao trùm tiếp tục liên quan đến vấn đề thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Tăng trưởng không thể bền vững nếu không bảo đảm tính bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội.
Đánh giá về ưu tiên “Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm” được chủ nhà Năm APEC Việt Nam 2017 đưa ra, ông Rio Fiocco, đại biểu nền kinh tế Papua New Guinea cho rằng: Khuôn khổ APEC cần phải khuyến khích các giải pháp tạo việc làm, giải quyết vấn đề xóa đói, giảm nghèo ở những nền kinh tế kém phát triển. Do đó, việc thúc đẩy tăng trưởng bao trùm sẽ mang lại cho những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa các cơ sở tài chính để phát triển, qua đó góp phần tạo việc làm, của cải và sự thịnh vượng cho tất cả.
Với kỳ vọng các nền kinh tế thành viên APEC sẽ xây dựng một Cộng đồng châu Á -Thái Bình Dương hòa bình, năng động, tự cường, bao trùm, kết nối và liên kết toàn diện, tạo cơ hội và sự tham gia bình đẳng cho tất cả mọi người, đại diện các nền kinh tế thành viên APEC cho rằng động lực của kinh tế khu vực phải đến từ tăng trưởng có chất lượng, bền vững, sáng tạo và bao trùm, kết nối và liên kết kinh tế sâu rộng.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hơn nữa tự do hóa thương mại và mở cửa đầu tư, các hiệp định thương mại trong khu vực, các hiệp định tự do thương mại, hướng tới việc hình thành Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương, hướng tới một cộng đồng APEC công bằng, bình đẳng, cùng phát triển thịnh vượng.