Các đại biểu đều nhận định, Quốc hội, Trung ương đã thấu hiểu những khó khăn, vất vả của các địa phương, trong đó có Nghệ An, từ đó ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù để các địa phương này bứt phá đi lên. Nghị quyết số 36/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An đã được Đảng bộ, nhân dân tỉnh Nghệ An triển khai rất cụ thể và bước đầu đạt được một số kết quả. Vì vậy, việc có thêm Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, quy định 4 nhóm lĩnh vực với tổng số 14 chính sách là rất cần thiết.
Đánh giá đây là chủ trương đúng đắn, đại biểu Hoàng Duy Chinh (Bắc Kạn) cho rằng, so với nghị quyết khác, dự thảo Nghị quyết lần này "cởi mở" hơn và giao quyền nhiều hơn cho địa phương. Dự thảo Nghị quyết quy định: Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng quy định của Nghị quyết này. Đại biểu chỉ rõ, quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong triển khai, thực hiện.
Về chính sách phí, lệ phí, theo dự thảo Nghị quyết, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định áp dụng các phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục theo Luật Phí và lệ phí. Chính sách này tương tự Nghị quyết số 115/2020/QH14 của thành phố Hà Nội, Nghị quyết số 119/2020/QH14 của thành phố Đà Nẵng, Nghị quyết số 35/2021/QH15 của thành phố Hải Phòng, Nghị quyết số 37/2021/QH15 của tỉnh Thanh Hóa, Nghị quyết số 45/2022/QH15 của thành phố Cần Thơ, Nghị quyết số 55/2022/QH15 của tỉnh Khánh Hòa, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng, Chính phủ cần đánh giá sơ bộ về tác động của chính sách này đối với các địa phương đã áp dụng để có điều chỉnh phù hợp với Nghệ An. Bên cạnh đó, chính sách này tác động trực tiếp đến đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh của người dân nên phải đánh giá kỹ tác động của chính sách khi ban hành.
Về chính sách tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công tại khoản 5, Điều 4, đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cho rằng, nhiều năm qua, không ít dự án đầu tư, nhất là các dự án xây dựng hạ tầng giao thông chậm tiến độ do bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng đã gây ra nhiều hệ lụy, như bị đội vốn. Các công trình hạ tầng giao thông dang dở trở thành lô cốt, nút thắt, gây mất vệ sinh môi trường, bức xúc trong nhân dân. Nhà đầu tư, nhà thầu kiệt quệ vì phải chờ đợi hoặc không hoàn thành dự án...
Thực tế, theo đại biểu Âu Thị Mai, nhiều dự án chưa giải phóng mặt bằng đã khởi công, sau đó không thể triển khai được vì không giải phóng được mặt bằng, trong khi giá nguyên vật liệu, nhân công, quy định của pháp luật có thay đổi nên đến khi tái khởi động thì dự án đội vốn hoặc phát sinh những khó khăn khác.
Đại biểu đề nghị cân nhắc thí điểm tách việc bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tỉnh Nghệ An. Chính phủ cần sớm nghiên cứu trình Quốc hội luật hóa nội dung về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng được áp dụng rộng rãi để trở thành động lực mới cho đầu tư, phát triển, nhất là hạ tầng giao thông của cả nước.