Cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, nhiều đại biểu quan tâm tới vấn đề về hỗ trợ cho người lao động và các giải pháp phục hồi, thúc đẩy ngành Du lịch trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Hỗ trợ người lao động là hỗ trợ động lực tăng trưởng của đất nước
Khẳng định đại dịch COVID-19 đã và đang tiếp tục là một thách thức đặc biệt với Việt Nam và thế giới, để phục hồi, ổn định, phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa tới lực lượng công nhân, người lao động. Đại biểu nêu thực tế: "Trước đây, việc "kéo" lao động từ nông thôn lên thành thị đã rất khó. Giờ đây, xuất hiện thêm tình trạng lực lượng lao động đang ở sẵn các thành phố nhưng vẫn nhất quyết đi về quê, doanh nghiệp không thể giữ được lao động kể cả khi Chính phủ đã mở cửa". Giai đoạn giãn cách vừa qua, chúng ta luôn quan tâm nhiều đến tác động về kinh tế, tuy nhiên, đại biểu cho rằng hậu quả về mặt tâm lý cũng là vấn đề nghiêm trọng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều công nhân, người lao động bị sang chấn tinh thần, việc này sẽ để lại di chứng lâu dài, cần nhiều thời gian để khắc phục.
Đại biểu Trần Văn Khải nhấn mạnh, đây là thời điểm phải xem người lao động là động lực tăng trưởng, bởi "hỗ trợ người lao động cũng chính là hỗ trợ động lực tăng trưởng của đất nước". Từ những nguyên nhân này, đại biểu kiến nghị một số giải pháp. Theo đó, đối với những người lao động phải di chuyển để tìm việc, động lực lớn nhất để họ quay lại nơi làm việc là khả năng tìm được công việc bằng hoặc tốt hơn công việc cũ trong môi trường an toàn. Bởi vậy, song song với những động thái quyết liệt nhằm kiểm soát dịch bệnh, nhanh chóng đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc; không chỉ kết nối cung cầu lao động mà còn kiến tạo động lực về cơ hội; hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn; tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống. Chính phủ có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như một số biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn để bảo vệ sức khỏe phù hợp, tạo tâm lý yên tâm quay lại nơi làm việc cho người lao động.
Khẳng định vai trò quan trọng của hệ thống an sinh xã hội trong việc bảo đảm an toàn cho người dân trong điều kiện biến động về kinh tế xã hội, đại biểu Trần Văn Khải kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp lâu dài về nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là hệ thống y tế ở cơ sở nhằm tránh rủi ro, tạo cơ hội công bằng cho toàn dân trong việc tiếp cận. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng các công trình như nhà trẻ, trạm y tế và các công trình văn hóa, thể thao cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đồng thời, Chính phủ có thể phải cân nhắc đến bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống phát sinh; mạnh dạn sử dụng ngân sách để tăng tiền an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là giúp cho động lực tăng trưởng của đất nước.
Cùng quan điểm với đại biểu tỉnh Hà Nam về vấn đề lao động việc làm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng, trong gần hai năm qua, lao động nước ta đối diện với tình trạng không có và thiếu việc làm trên diện rộng. Dự báo, tình hình năm 2022 sẽ còn nhiều tiềm ẩn phức tạp, khó khăn.
Về các giải pháp cho vấn đề này, theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân để duy trì nguồn cung lực lượng lao động an toàn, Chính phủ cần tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp; mở rộng các chương trình đào tạo phù hợp với nhiều đối tượng như lao động nữ, lao động có trình độ và không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động phi chính thức... nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc, góp sức vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần tập trung vào kết nối lại nhu cầu giữa doanh nghiệp và người lao động. Công đoàn các cấp, các cơ quan, xí nghiệp cần tạo lập các nhóm tương trợ để hỗ trợ người lao động chăm sóc con cái khi trường học chưa được trở lại hoạt động bình thường. Việc đẩy mạnh tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất cần được quan tâm hơn nữa, song song với cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ một cách đơn giản, thuận tiện nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động; tăng nguồn vốn giải quyết việc làm cho các ngân hàng, ưu tiên các ngành nghề giải quyết nhiều lao động, hỗ trợ kịp thời cho người lao động có ý định làm việc tại quê nhà...
Thị trường lao động Việt Nam có khoảng 75% lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Khẳng định đây là hạn chế lớn của nền kinh tế Việt Nam, đại biểu đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi mới, triển khai các chính sách đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu tăng trưởng, phát triển kinh tế. Đặc biệt, công tác đào tạo cần chú trọng việc đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tránh việc đào tạo tràn lan, tốn kém nhưng lại không đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường.
Xây dựng môi trường du lịch an toàn
Bên cạnh những kiến nghị về giải pháp hỗ trợ người lao động, đại biểu đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cũng quan tâm cho ý kiến nhằm phục hồi và phát triển ngành Du lịch trước những ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc về các chính sách hỗ trợ tài chính và đào tạo, đảm bảo sự tồn tại của doanh nghiệp và đời sống của người lao động trong ngành du lịch, cụ thể là các gói hỗ trợ tài chính trực tiếp, linh hoạt đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, với lực lượng lao động ngành du lịch và người dân kinh doanh dịch vụ cộng đồng; tăng cường thanh khoản và khả năng tiếp cận các quỹ, nguồn vốn đầu tư, các khoản tín dụng, trả nợ...
Đồng thời, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng cần tạo cơ chế đối thoại, trao đổi thông tin hiệu quả hơn giữa chính quyền, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội để nhanh chóng đưa ra biện pháp tháo gỡ khó khăn, tận dụng cơ hội cho phục hồi, phát triển du lịch trong giai đoạn bình thường mới.
Cùng với đó, Việt Nam cần xây dựng môi trường du lịch an toàn để kích thích nhu cầu du lịch vốn dĩ đang bị "nén" trong những tháng qua; ưu tiên ban hành chính sách triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch tại các điểm đến. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho biết: Để tạo được sự tin tưởng của khách du lịch, hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Quảng Bình đã khởi động lại hoạt động du lịch với các quy định, lộ trình để du khách không phải cách ly khi đến. Do đó, đại biểu đề nghị cần có quy trình xử lý sự cố liên quan đến dịch bệnh, đồng thời có thang đánh giá mức độ an toàn và một quy trình được chuẩn hóa trong phạm vi toàn quốc; có sự kết nối với các nước để góp phần làm "ấm" lại thị trường du lịch thế giới.
Hiện nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó đặc biệt là các tỉnh miền Trung đang bước vào mùa thiên tai, bão lũ. Những trận mưa đầu mùa dù đã được dự báo trước nhưng vẫn đủ sức công phá để cướp đi sinh mạng và tài sản của người dân. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho biết: "Dù trong đau thương, chúng tôi vẫn luôn cố gắng tìm ra giải pháp thích ứng. Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đang nỗ lực để triển khai mô hình du lịch mùa thiên tai... Trong nguy luôn có cơ, tôi tin tưởng ngọn lửa của lòng yêu nước được thổi bùng lên trong cơn bĩ cực sẽ tiếp tục hun đúc nhiệt huyết cống hiến của những người con đất Việt, đưa Việt Nam vượt qua đại dịch với tâm thế của một Việt Nam hùng cường", đại biểu bày tỏ.
Trong những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng nhanh, liên tục, tỷ trọng du lịch trong GDP có sự bứt phá rõ rệt, góp phần tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, ngành Du lịch được coi là ngành bị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch. Cho ý kiến về phát triển kinh tế du lịch giai đoạn hậu COVID, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) dẫn số liệu: Trong 9 tháng năm 2021, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 114,5 nghìn lượt người, giảm 97% so với cùng kỳ. Tình hình du lịch trong nước, nhu cầu đi lại du lịch của người dân giảm mạnh. Tổng thu từ du lịch 8 tháng đầu năm 2021 đạt 136.520 tỷ đồng, giảm 26,5 % so với cùng kỳ.
Với mong muốn phục hồi ngành công nghiệp không khói trong thời gian tới, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị cần quan tâm tới một số giải pháp, trong đó có việc nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp du lịch để phát triển bền vững; cơ cấu lại hoạt động xúc tiến, quảng bá định vị thị trường mục tiêu, xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp, ưu tiên xây dựng các gói kích cầu đẩy mạnh liên kết vùng giữa các địa phương; hợp tác chặt chẽ giữa ngành du lịch và các bên cung ứng dịch vụ liên quan như hàng không, các lĩnh vực sản xuất hàng hóa, dịch vụ phục vụ khách du lịch gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.
Cùng với đó, đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị cần triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch, ưu tiên thúc đẩy nhanh, hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân, người lao động ở các trung tâm du lịch; đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trong quản lý thông tin du lịch, thông tin về các điểm đến, các sản phẩm du lịch của từng địa phương, hình thành được hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử liên thông giữa Trung ương và địa phương trong lĩnh vực du lịch.