Cú huých sau đại dịch
Chị Vũ Huyền Mai, nhân viên văn phòng tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) thường xuyên mua hàng qua một số trang thương mại điện tử; thậm chí săn mã giảm giá để mua được hàng giá rẻ.
“Tôi có thói quen này từ hơn 1 năm trở lại đây, nhất là thời gian phòng chống dịch, tôi mua hàng qua kênh online cũng tiện lợi. Cùng với đó, việc thanh toán cũng dễ dàng hơn trước. Ở đô thị, nhiều cửa hàng đều có mã QR nên quên ví vẫn mua được đồ, miễn là không quên điện thoại”, chị Vũ Huyền Mai nói vui.
Không chỉ các cửa hàng, một số người bán hàng vỉa hè cũng đã nhanh nhạy chọn hình thức thanh toán tiện lợi này phù hợp với thói quen tiêu dùng mới. Ông Hùng Văn Thứ, 60 tuổi, bán hàng vỉa hè ở cầu Đen (Hà Đông) khoảng 10 năm, với mặt hàng trứng luộc, ngô chiên và vài món khác. Dù là quán vỉa hè nhưng ông Thứ rất chuyên nghiệp trong khâu bán hàng, thanh toán khi đã biết cách in mã QR pay để khách hàng cần quét và thanh toán.
"Giờ công nghệ thông tin phát triển, nhiều khách tới đây ăn còn không cầm theo tiền mặt. Đôi khi có tiền mặt nhưng họ cũng không thích thanh toán vì mất vệ sinh, sợ lây nhiễm dịch bệnh. Bởi vậy, tôi đã làm mã QR pay này cho khách quét. Vừa nhanh gọn cho khách lại vừa tiện cho mình vì không phải cầm tiền mặt, đỡ mất mát", ông Thứ cho biết.
Sau đại dịch COVID-19, thói quen tiêu dùng và thanh toán đã thay đổi rất nhiều, nhất là giới trẻ và trung niên. Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần giải pháp KYC cho biết: Tại Việt Nam 73% dân số sử dụng internet, 54% người mua hàng online qua mạng xã hội. Dịch COVID-19 là cú huých cho thương mại điện tử phát triển với tốc độ tăng trưởng 16% trong năm 2021. Dù hiện nay, Việt Nam đã bước vào giai đoạn bình thường mới nhưng 63% người tiêu dùng vẫn giữ thói quen mua hàng online.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng: Trong chuyển đổi số, diễn ra nhanh và trên bình diện rộng thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ, tiếp đến là sản xuất, nhất là những doanh nghiệp lớn để nâng cao hiệu quả. Theo khảo sát tại doanh nghiệp trong hiệp hội cho thấy, với khối thương mại - dịch vụ, bán hàng online chiếm tới 30%-40%. Điều này tạo áp lực khiến các doanh nghiệp, đơn vị phải thay đổi nếu muốn tồn tại, phát triển.
“Chuyển đổi số tại nhóm thương mại điện tử sẽ còn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ do người dùng đa phần là giới trẻ, am hiểu công nghệ, thích nghi nhanh; trong khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến lại chậm bởi người sử dụng đa phần từ 40 tuổi trở lên và thao tác như chụp, scan tài liệu, chuyển khoản sẽ không bằng giới trẻ”, ông Mạc Quốc Anh nhận định.
Việc sử dụng thanh toán điện tử, kết hợp với các chương trình khuyến mại, ưu đãi vào dịp 10/10, khi thu hút người dùng sử dụng, nhất là các bạn trẻ trải nghiệm, nếu thấy tiện ích, thuận lợi sẽ lan toả rất nhanh. “Còn những dịch vụ quảng cáo hay tốt, nhưng khó sử dụng, nhiều thủ tục, ít tiện ích thì sẽ rất khó khuyến khích người dùng”, ông Mạc Quốc Anh cho biết.
Tạo lập và thúc đẩy thói quen mới
Chương trình “Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số” đã được Bộ TTTT thông báo rộng rãi vào ngày 29/9. Với chương trình này, cơ quan nhà nước cùng cộng đồng doanh nghiệp sẽ đồng hành với người dân trong tiến trình chuyển đổi số bằng cách đồng loạt có chính sách ưu đãi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số lên tới 50% giá sản phẩm, dịch vụ. Theo đó, có 10 nhóm ưu đãi tiêu dùng số nổi bật về viễn thông, thanh toán số, thương mại điện tử, tên miền quốc gia Việt Nam.vn, chữ ký số, an toàn an ninh mạng, giao thông, giáo dục, y tế và sách điện tử đến từ hơn 50 doanh nghiệp công nghệ số tham gia cũng đã được giới thiệu.
Ngay trong đầu tháng 10, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin cũng đã có những hưởng ứng chương trình. Theo đó, VNPT áp dụng ưu đãi 50% thẻ nạp di động và gói cước Internet cho khách hàng đăng ký trên các kênh trực tuyến. Đối với cước ưu đãi dịch vụ Internet dành cho tất cả khách hàng đăng ký mới gói cước Internet đều nhận được ưu đãi 50% các gói Home 1 (40Mbps đối với ngoại thành Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và 61 tỉnh), Home 2 (80Mbps đối với nội Thành Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) cho chu kì 6 tháng và 12 tháng. Đặc biệt, khách hàng đăng ký gói 6 tháng, sử dụng 9 tháng; 12 tháng, sử dụng 18 tháng; chỉ áp dụng cho khách hàng đăng ký trên website https://shop.vnpt.vn và ứng dụng My VNPT từ 1/10 - 31/10/2022….
Cũng như VNPT, MobiFone tặng 50% mệnh giá nạp tiền trong 2 ngày 10-11/10 (MobiFone Money, MobiFone Pay, MyPoint, My MobiFone, App topup, web portal www.mobifone.vn) vào tài khoản khuyến mại cho thuê bao trả trước (thuê bao đang hoạt động, khóa 1 chiều, khóa 2 chiều đang trong thời gian giữ số), không giới hạn số lần nạp tiền và mệnh giá nạp….
Trong khi đó, ông Nghiêm Tuấn Anh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Truyền thông, Bưu điện Việt Nam cho biết: Bưu điện Việt Nam đang tích cực triển khai kế hoạch “Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông dân lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn”, sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart đang góp phần tích cực vào việc hình thành thói quen tiêu dùng mới của người tiêu dùng Việt.
Hưởng ứng tháng tiêu dùng số và ngày chuyển đổi số Quốc gia 10/10, Vietnam Post triển khai rất nhiều chương trình nhằm thúc đẩy thói quen mua sắm trên sàn TMĐT. Điển hình như sàn TMĐT Postmart.vn sẽ giảm 50% cước vận chuyển từ nay đến hết ngày 31/10 cho các đơn hàng. Chương trình áp dụng cho tất cả khách hàng là nhà cung cấp, người bán và mua hàng trên sàn TMĐT Postmart.vn sử dụng dịch vụ giao hàng tiêu chuẩn trong thời gian khuyến mãi. Cụ thể, giảm 50% chi phí vận chuyển (tối đa 30.000 đồng), áp dụng cho các đơn hàng có trọng lượng dưới 20kg.
Ngay trong tháng 10, sàn TMĐT Postmart cũng sẽ áp dụng chương trình flash sale vào các ngày 10, 15 và 31/10 với các ưu đãi giảm giá lên tới 50%, đồng giá 10.000 đồng hay deal hot giá 0 đồng với hàng trăm sản phẩm từ các nhãn hàng uy tín đến từ các ngành hàng từ thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, hàng tiêu dùng, nhà cửa, đời sống.
Đặc biệt để thực hiện hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời tháo gỡ rào cản trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến cho các hộ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là bà con nông dân ở những nơi vùng sâu, vùng xa, Vietnam Post đã xây dựng ví điện tử PostPay. Đây là một sản phẩm tiêu biểu trong hệ sinh thái số đa dịch vụ và hỗ trợ thanh toán đa hình thức nhằm mang lại trải nghiệm tối ưu cho khách hàng của Vietnam Post.
Đối với công ty công nghệ thông tin cũng có những chương trình hưởng ứng Ngày chuyển đổi số 10/10. Bà Định Thị Thuý, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA cho biết: Đơn vị cùng các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số với những chính sách ưu đãi lớn khi sử dụng các giải pháp tài chính - kế toán và chữ ký số từ xa đến hết tháng 10/2022.
Cụ thể, tặng voucher giảm giá 20% tổng giá trị đơn hàng cho các doanh nghiệp thành lập năm 2022 khi mua mới phần mềm kế toán MISA AMIS Kế toán, MISA SME 2022; Tặng voucher giảm giá 35% tổng giá trị đơn hàng hoặc 6 tháng sử dụng cho các khách hàng khi mua mới dịch vụ chữ ký số từ xa MISA eSign gói 1, 2, 3 năm… Đặc biệt, trong hai ngày 10-11/10/2022, MISA tặng voucher giảm giá 50% tổng giá trị đơn hàng cho khách hàng mua mới dịch vụ chữ ký số MISA eSign gói 1, 2, 3 năm.
“Đại dịch như một cú huých khiến doanh nghiệp chuyển đổi số để thích ứng với bối cảnh. Chính vì vậy, bước sang trạng thái bình thường mới sau đại dịch, doanh nghiệp chủ động tìm đến các đơn vị công nghệ thông tin để trải nghiệm các giải pháp chuyển đổi số thông minh và toàn diện hơn. Hầu hết các doanh nghiệp chuyển từ chuyển đổi số nhỏ lẻ, rời rạc từng phần mềm sang các giải pháp có tính năng tích hợp, liên thông dữ liệu, kết nối linh hoạt trong nội bộ và ngoài tổ chức. Ngoài ra, các Bộ, ban, ngành cũng vào cuộc quyết liệt nhằm đồng hành cùng các doanh nghiệp chuyển đổi số”, bà Đinh Thị Thuý chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Huy Dũng, thành viên Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số cho rằng, trong "Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số", các đơn vị có những việc thiết thực, hiệu quả để mang lại những lợi ích cụ thể cho người dân.
“Chúng tôi hy vọng rằng sáng kiến này khuyến khích, thúc đẩy người dân sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số nhiều hơn, được thụ hưởng những lợi ích trực tiếp từ chuyển đổi số mang lại. Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số” không chỉ là một chương trình ưu đãi, giảm giá đơn thuần. Với chương trình này, điều lớn hơn mà đơn vị tổ chức mong muốn là sẽ thúc đẩy phát triển kỹ năng số cho người dân, đặc biệt là phổ cập các kỹ năng số cơ bản cho người dân như: sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, kỹ năng tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, rủi ro trực tuyến”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dung cho biết.
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ TTTT cho biết, hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 năm nay, các ưu đãi, khuyến mại của chương trình “Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số” tập trung vào 2 nhóm đối tượng chính, gồm nhóm người dân đã và đang sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số và nhóm người dùng mới. Trong đó, nhóm đã và đang dùng các sản phẩm, dịch vụ số sẽ nhận được những ưu đãi để gia tăng hơn nữa thời lượng sử dụng. Với người dùng mới, chương trình ưu đãi, khuyến khích họ tham gia vào các kênh số, sử dụng các sản phẩm và dịch vụ số.
Theo Bộ TTTT, thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10, chính quyền cần nỗ lực cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, doanh nghiệp nỗ lực đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, và các doanh nghiệp công nghệ nỗ lực cung cấp sản phẩm, dịch vụ số phục vụ nhu cầu xã hội.
Các Tổ công nghệ số cộng đồng trên toàn quốc cũng đang nỗ lực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” các kỹ năng sử dụng dịch vụ trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến và tự bảo vệ mình trên môi trường số. Hiện cả nước đã có 61.063 Tổ công nghệ số cộng động với 277.881 thành viên, trong đó có 36/63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc tổ chức các Tổng công nghệ số cộng đồng tới 100% cấp xã.
Theo Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TTTT), đến nay, công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam đã đạt được kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Về Chính phủ số, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được cung cấp cho người dân, doanh nghiệp đã đạt hơn 97,3%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 67,8% và tỷ lệ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến là 43,2%. Về kinh tế số, đến giữa năm nay, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng so với mức 9,6% tại cuối năm 2021. Về xã hội số, số lượt người dùng hằng tháng trên tất cả nền tảng số di động Việt Nam đã tăng hơn 100 triệu lượt so với cùng kỳ năm ngoái; tỷ lệ người dùng các nền tảng di động Việt Nam đạt khoảng 20% trên tổng số người dùng nền tảng số.