Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, việc thành lập VIASM góp phần phát huy tố chất, tiềm năng toán học của người Việt Nam cũng như đóng góp vào sự phát triển toán học ứng dụng trong các lĩnh vực kinh tế, đời sống - xã hội. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 - 2030 thể hiện quan điểm tiếp tục ưu tiên phát triển toán học Việt Nam nói riêng, khoa học công nghệ nói chung.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng, mô hình hoạt động của VIASM đòi hỏi quy định đặc thù về bộ máy tổ chức, cơ chế tài chính và cần sớm đưa vào pháp luật hiện hành, nhằm đạt được những mục tiêu đặt ra như có công trình nghiên cứu toán cao cấp mang tầm thế giới; phát triển khoa, bộ môn, nhóm nghiên cứu về toán trong trường đại học; đổi mới về tư duy, nội dung, phương pháp giảng dạy về toán học từ bậc phổ thông đến đại học; gắn kết các nhóm nghiên cứu toán lý thuyết với toán ứng dụng...
Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành sớm rà soát quy định pháp luật hiện hành về cơ chế, chính sách đặc thù trong bộ máy tổ chức, nhiệm vụ khoa học - công nghệ, tài chính, để tham mưu, đề xuất mô hình hoạt động phù hợp cho VIASM. Từ đó tạo mọi điều kiện để phát triển toán học Việt Nam nói riêng, góp phần tạo đột phá trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học nói chung.
Được thành lập từ năm 2010, theo Quyết định số 2342/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, VIASM là cơ sở nghiên cứu có mô hình tổ chức tương tự mô hình của các viện nghiên cứu tiên tiến trên thế giới. Viện được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính và đánh giá theo thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế.
Hàng năm, Viện đón khoảng 130 - 140 nghiên cứu viên và khách mời tới hợp tác, trao đổi nghiên cứu và giảng dạy. Giai đoạn 2012 - 2021, Viện đã tổ chức 370 nhóm/cá nhân đến làm việc với 847 lượt nghiên cứu viên; ký kết 14 thỏa thuận hợp tác quốc tế; tổ chức hàng trăm hội nghị, hội thảo…
Giai đoạn 2010 - 2020, VIASM đã xét cấp học bổng cho trên 6.100 lượt sinh viên, học sinh chuyên toàn với kinh phí hơn 51 tỷ đồng; tổ chức trường hè cho giáo viên, học sinh chuyên toán, sinh viên ngành toán; xây dựng tài liệu phục vụ giảng dạy và nghiên cứu toán học; khuyến khích giảng viên toán ở các trường đại học đẩy mạnh nghiên cứu; hỗ trợ triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu ứng dụng toán học; quảng bá, phát triển toán học như Ngày hội Toán học mở, hội thảo về tài liệu, phương pháp giảng dạy toán...
Cùng với đó, VIASM đã xúc tiến hợp tác nghiên cứu ứng dụng toán học trong một số ngành khoa học kỹ thuật, kinh tế - xã hội như viễn thông, giao thông vận tải, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, tài chính - ngân hàng… với một số doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị. Viện cũng đã xây dựng phòng thí nghiệm khoa học dữ liệu nhằm thúc đẩy các hướng nghiên cứu mới về trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, khoa học dữ liệu nói chung; đồng thời đóng góp cho việc xây dựng các chiến lược, chính sách khoa học công nghệ của Chính phủ trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đến nay, mô hình hoạt động của Viện khẳng định tính hiệu quả, bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế và đã được nhiều đơn vị, tập đoàn, doanh nghiệp học tập và áp dụng. Từ vị trí thứ 55 trên toàn thế giới, đến nay toán học Việt Nam tăng lên vị trí thứ 35 - 40.
Tại cuộc họp, Tiến sỹ Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành VIASM cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2030, Viện đặt mục tiêu trở thành trung tâm toán học xuất sắc, có môi trường làm việc, trao đổi học thuật tương đương với một số nước phát triển về toán.
Đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ... đã trao đổi, phân tích về căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn đối với những kiến nghị của VIASM về cơ cấu tổ chức của Viện và Ban Giám đốc; cơ chế tài chính đặc thù với ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên, cũng như từ nguồn viện trợ khác. Đồng thời, một số ý kiến đề nghị bổ sung nhiệm vụ "là đơn vị điều phối thực hiện Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 - 2030"; điều chỉnh thời hạn đánh giá kết quả hoạt động từ 3 năm lên 5 năm...