Bảo đảm nguồn cung xăng dầu ra thị trường trong mọi tình huống
Phát biểu tại hội trường, các đại biểu Quốc hội nhận định, trong 15 chỉ tiêu kế hoạch ước thực hiện năm 2022, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là chỉ tiêu duy nhất ước không đạt, thậm chí thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm 2021. Nhưng trong báo cáo của Chính phủ chưa phân tích rõ nguyên nhân không đạt chỉ tiêu này, do vậy, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung báo cáo vấn đề này.
Giải trình về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Năm 2020, nhiều chính sách mới đã được ban hành theo hướng nhanh nhất, thủ tục, hồ sơ đơn giản nhất và triển khai quyết liệt, đem lại hiệu quả thiết thực nhất. Đời sống nhân dân được cải thiện một bước dù còn một bộ phận khó khăn. Thu nhập bình quân của người lao động trong quý III, qua khảo sát của Tổng cục Thống kê, đạt 7,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2021; riêng khu vực dịch vụ bình quân đạt trên 8 triệu đồng, tăng 29,4%.
Về những tồn tại, bất cập trong quản lý đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, thời gian qua, đã có trên 10 nghìn/hơn 28 nghìn ha đất được giải quyết. Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là do chậm giải phóng mặt bằng, các quy hoạch thay đổi, các nhà đầu tư được lựa chọn nhưng kém năng lực nên không triển khai được. Nguyên nhân nữa là trong quá trình xử lý các vấn đề về pháp luật đất đai, pháp luật có liên quan có những khoản chồng chéo. Chính phủ đã lập một đề án tập trung vào 4 thành phố hiện nay với tổng số gần 2.000 dự án như vậy, từ đó, đưa ra các phương án xử lý, đề xuất các cấp có thẩm quyền.
Về vấn đề biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, hiện nay, biến đổi khí hậu đã hết sức gay gắt, phức tạp, trở thành vấn đề sống còn nếu không có những quyết định kịp thời. Chính vì vậy, việc Việt Nam thể hiện cam kết khẳng định trách nhiệm tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26) là con đường để Việt Nam vượt qua thách thức của chính mình cũng như thể hiện trách nhiệm với thế giới.
Chia sẻ với băn khoăn của các đại biểu về tình hình xăng dầu hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, xăng dầu là vật tư chiến lược, có ý nghĩa sống còn với mọi quốc gia, mọi nền kinh tế. Hơn nữa, vấn đề khủng hoảng năng lượng đã, đang và sẽ ngày càng trầm trọng trên phạm vi toàn cầu do cạnh tranh chiến lược, chiến tranh cục bộ và mục tiêu zero carbon vào năm 2050.
Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và các địa phương đã nỗ lực, cố gắng trong quyết sách các chủ trương, trong chỉ đạo, điều hành thông qua các công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn và cả chính sách xã hội. Vì thế, thị trường xăng dầu nước ta cơ bản được ổn định, tổng nguồn luôn không thiếu, giá cả hợp lý và luôn ở nhóm nước có mức bán lẻ thấp nhất trong khu vực và thế giới.
Để kịp thời khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tham mưu cho cấp có thẩm quyền phối hợp chặt chẽ với các ngành, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, chia sẻ nguồn cung trong dự trữ thương mại của mình để kịp thời chi viện cho những địa bàn cần ứng cứu. Mặt khác, tiếp tục động viên, phân giao chỉ tiêu bổ sung cho các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu mối để tăng sản lượng sản xuất và nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung ra thị trường trong mọi tình huống. Phối hợp với các lực lượng chức năng, cơ quan và chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát của toàn hệ thống kinh doanh xăng dầu.
Một giải pháp khác được Bộ trưởng đưa ra là tiếp tục triển khai phần mềm quản lý, phân phối kinh doanh xăng dầu thống nhất, trực tiếp từ Bộ Công Thương đến các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối và từ chính quyền các tỉnh, thành phố đến 17.000 đại lý, cửa hàng bán lẻ trong cả nước, nhằm bảo đảm tính khách quan, chính xác, minh bạch, kịp thời trong quản lý.
Đảm bảo an sinh xã hội, đời sống người dân
Chiều 28/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và nghe các trưởng ngành giải trình những vấn đề các đại biểu nêu.
Về vấn đề chính sách tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết: Trong 9 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã bám sát diễn bến kinh tế vĩ mô tiền tệ và điều hành linh hoạt, đồng bộ với liều lượng vào các thời điểm hợp lý. Qua đó góp phần kiểm soát lạm phát ở mức bình quân 9 tháng là 2,73%, năm 2022 ước đạt dưới 4%. Đây là mức thấp hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới, là yếu tố góp phần cho tăng trưởng kinh tế đạt mức dự kiến 8% cho cả năm nay.
Về Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành ban hành Nghị định, thông tư hướng dẫn, tuy nhiên, về thực tiễn, số lượng hỗ trợ còn ít, sự giám sát từ sớm từ xa, những phân tích, đánh giá nguyên nhân của các đại biểu Quốc hội là hoàn toàn chính xác.
Theo giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm 2022 là năm hết sức đặc biệt. Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của năm được xây dựng trong bối cảnh nhiều vấn đề thế giới và trong nước chưa lường hết được, đặc biệt là thay đổi rất nhanh, rất phức tạp, rất khó lường và vượt xa các dự báo.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng điểm lại các kết quả nổi bật của nền kinh tế trong năm 2022, phân tích nguyên nhân của thành công này. Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết nền kinh tế còn nổi lên một số tồn tại, hạn chế, bất cập. Đó là chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, chính sách tài khóa, tiền tệ, quản lý điều hành xăng dầu, thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia…
“Chúng ta tuyệt đối không được thỏa mãn, chủ quan lơ là, đặc biệt là những yếu tố tác động trực tiếp đến kinh tế vĩ mô, lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong năm qua chính sách tài khóa đã và đang là trụ cột của nền kinh tế. Trong đó, dù năm năm qua thực hiện chính sách giảm thuế nhiều nhưng thu nội địa tăng trưởng 9,8%, giảm chi thường xuyên 10% nhờ thực hiện nhiều giải pháp, có cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ trong thu ngân sách. Để đảm bảo thận trọng, chủ động và chắc chắn trong điều hành ngân sách thì dự toán ngân sách đặt ra mức tăng thấp. Về trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết trong thời gian tới sẽ đề xuất sửa Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các nghị định liên quan để kiểm soát một cách chặt chẽ, minh bạch, tạo ra một nguồn vốn trung và dài hạn để giúp cho việc phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hơn một năm trước, khi tình hình rất căng thẳng, chúng ta đã mạnh dạn chuyển hướng chiến lược, thích ứng linh hoạt, nhờ tiếp cận được vaccine để khẩn trương ổn định phục hồi kinh tế, ổn định vĩ mô, duy trì ổn định an sinh xã hội, có bước tiến bộ tương đối toàn diện. Việt Nam luôn nằm trong top đầu thế giới về các chỉ số phục hồi sau đại dịch COVID-19.
“Chúng ta đã tiêm 260 triệu liều vaccine, dù gặp khó khăn, nhưng chúng ta vẫn đang đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo đời sống người dân không chỉ ở thành thị, mà ở cả nông thôn, miền núi”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.