Đây là năm thứ hai diễn ra hội nghị “ Diên Hồng” về văn hóa, trí thức này.
Kể từ hội nghị lần đầu tiên diễn ra cách đây 1 năm và hơn 2 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, đời sống văn hóa cũng như lĩnh vực khoa học-công nghệ nước nhà bước đầu có những chuyển biến tích cực, mang đến những “luồng gió mới” cho công cuộc chấn hưng văn hóa, phát triển khoa học và công nghệ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong lĩnh vực văn hóa, năm 2023 ghi dấu những hoạt động kỷ niệm “80 năm ra đời bản Đề cương về văn hóa Việt Nam” với kim chỉ nam “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, đã dần “sáng” thêm nhiều vấn đề, vừa tiếp nhận - phát triển các giá trị truyền thống, vừa hướng đến sự hòa nhập; tiếp đó là việc lần đầu tiên tổ chức sự kiện "Tuyên dương 78 gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023" và Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc. Cùng với đó, công nghiệp văn hóa có nhiều thành tựu nổi bật và nhiều kết quả quan trọng khác.
Năm 2023 là năm đặc biệt chứng kiến sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với trí thức, khoa học và công nghệ Việt Nam khi Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 45/NQ-TW “về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”; Ban Bí thư có Quyết định số 118-QĐ/TW về Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương, cùng nhiều văn bản quan trọng khác. Mới đây nhất, ngày 11/1/2024, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 69 “về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 20, ngày 1/11/2012 về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Trao dũng khí dám nói, dám nghĩ, dám làm và dám hành động
Với những kết quả tích cực trên, tại Hội nghị, các đại biểu đã có những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, nặng lòng với đất nước, thể hiện tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và những hiến kế quý báu cho Đảng, Nhà nước để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đất nước ta ngày càng đổi mới và phát triển bền vững.
Bày tỏ vui mừng và xúc động được đến dự cuộc gặp mặt, Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, đội ngũ trí thức, nhà khoa học hiện nay rất đông đảo, trí tuệ, điều cơ bản là họ rất yêu nước, một lòng vì Đảng, vì nhân dân và vì Tổ quốc Việt Nam. Họ mang trong mình dòng máu và tố chất của người Việt Nam, kế thừa giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hết lòng dựng xây đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Chính vì vậy, ông Phân Xuân Dũng kiến nghị Đảng, Nhà nước: “Đã tin tưởng thì tin tưởng trí thức Việt Nam hơn nữa, hãy trao cho họ dũng khí dám nói, dám nghĩ, dám làm và dám hành động mạnh mẽ hơn nữa. Có niềm tin là có tất cả. Làm tốt điều đó, đất nước ta sẽ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và sẽ đạt ở một tầm cao mới mà ít dân tộc nào trên thế giới có thể sánh kịp”.
Dẫn ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, nay là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam về việc hiện nay chưa có nhiều tác phẩm văn học-nghệ thuật tạo được sự thu hút, sự quan tâm rộng lớn của công chúng và có sức lan tỏa làm rung động lòng người; còn ít tác phẩm đỉnh cao, những văn nghệ sĩ lớn; Phó Giáo sư-Tiến sĩ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chia sẻ: “Là những người trực tiếp công tác trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, chúng tôi cũng như rất nhiều anh chị em văn nghệ sĩ, trí thức hết sức trăn trở, thấy rõ trách nhiệm của mình, đã, đang và sẽ nỗ lực hơn nữa, đổi mới tư duy sáng tạo, đi sâu vào thực tế đời sống để có nhiều tác phẩm xứng đáng với kỳ vọng của Đảng, của Nhà nước và nhân dân”.
Từ đây, ông Đỗ Hồng Quân kiến nghị Đảng, Nhà nước cần đặt sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam vào trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia và là thành phần quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kì mới.
Từ góc độ là một nữ trí thức trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh mong muốn lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm đội ngũ trí thức với những cơ chế cho phép đội ngũ trí thức tham gia đóng góp cho sự phát triển kinh tế -xã hội của đất nước, vì ít nhiều hiện nay vẫn còn khoảng cách giữa công tác quản lý và các nhà khoa học. Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm sâu sắc đến nền giáo dục của nước nhà, vì đây là nền tảng để tạo ra những con người Việt Nam ngang và vượt tầm nhiệm vụ, có tinh thần quốc gia dân tộc. Cần có chiến lược quan tâm đến các ngành khoa học cơ bản như là nền tảng của sự phát triển bền vững...
Có thể nhận thấy, những ý kiến phát biểu của các đại biểu tại Hội nghị đều có chung tâm nguyện được tận tâm, tận hiến cho quốc gia và mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn, đầu tư nhiều hơn, bài bản hơn, trong đó có đặt niềm tin tưởng lớn hơn cho văn sĩ, trí thức tự do sáng tạo, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước.
Phát huy vai trò to lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ
Đảng, Nhà nước ta luôn coi giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, luôn đề cao, trân trọng, đặc biệt quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ trí thức, các nhà khoa học và văn nghệ sĩ; tạo mọi điều kiện để đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ phát triển vững mạnh, toàn diện, đóng góp nhiều hơn nữa trí tuệ, tài năng, sức sáng tạo cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Điều đó thể hiện xuyên suốt, nhất quán trong tư tưởng, nhận thức và hành động của Đảng và Nhà nước.
Điều này đã được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước khẳng định tại Hội nghị.
Chủ tịch nước đề nghị cần tiếp tục xây dựng, phát triển và tạo môi trường thuận lợi để phát huy vai trò to lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn văn sĩ, trí thức cần dấn thân, hòa mình vào thực tiễn đời sống phong phú, sinh động của đất nước. “Đất nước đang rất cần những trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ với tình yêu Tổ quốc nồng nàn, sự đồng cảm sâu sắc với nhân dân, khát vọng lớn lao, sẵn sàng dấn thân, hòa mình vào thực tiễn đời sống phong phú, sinh động của đất nước, đồng hành với Đảng, dân tộc trên hành trình hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Hiện nay, trong công cuộc chấn hưng văn hóa, phát triển khoa học-công nghệ; văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học thực sự là nguyên khí của quốc gia, là “vốn quý của dân tộc”, “là lớp tiên tri, tiên giác”, “những chiến sĩ tiên phong” trên mặt trận xây dựng đời sống tinh thần, vật chất mới của xã hội. Từ phong cách sống, làm việc đến những tác phẩm, công trình nghiên cứu của họ không chỉ là tấm gương phản chiếu hiện thực xã hội mà còn cần phải góp phần quan trọng vào việc định hướng xã hội, xây dựng Hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Điều này cũng là lời gửi gắm của Chủ tịch nước trước khi kết thúc bài phát biểu tại Hội nghị: “Đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Việt Nam dù đang sinh sống và làm việc ở trong nước hay nước ngoài, bằng tình yêu và trách nhiệm, tài năng và sáng tạo đều có thể đóng góp cho Tổ quốc theo cách riêng của mình; cùng nhau vun đắp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam, tạo thành sức mạnh nội sinh to lớn, đưa đất nước ta ngày càng phát triển, phồn vinh, hạnh phúc”.