Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Thị Bích Thảo đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại khu vực Trung và Đông Âu về trọng tâm chuyến thăm cũng như cơ hội tăng cường hơn nữa mối quan hệ Việt Nam - Hungary và Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU). Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Quan hệ Việt Nam – Hungary phát triển tích cực kể từ khi hai bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện năm 2018. Đại sứ đánh giá như thế nào về bối cảnh chuyến thăm lần này của Thủ tướng Chính phủ tới Hungary?
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Hungary đã có những phát triển tốt đẹp trong gần 75 năm qua. Đây cũng là lần đầu tiên Thủ tướng hai nước hội đàm kể từ khi nâng cấp quan hệ lên đối tác toàn diện năm 2018.
Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm quan trọng khi Việt Nam đang nỗ lực tạo những bứt phá, tích cực triển khai chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất hiệu quả. Trong khi đó, Hungary đang bước vào giai đoạn nỗ lực phục hồi kinh tế, tăng cường mở rộng mạng lưới kết nối rộng khắp và chuẩn bị đảm nhiệm vai trò quan trọng là Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu 6 tháng cuối năm 2024.
Dù bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn, bất thường và rủi ro nhưng với quyết tâm chính trị rất cao của lãnh đạo cấp cao, tôi tin tưởng rằng chuyến thăm của Thủ tướng sẽ thắt chặt hơn nữa quan hệ chính trị tin cậy giữa hai nước, tạo những bứt phá, xung lực cho quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hungary, đặc biệt đẩy mạnh hợp tác đầu tư, kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ, giáo dục, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… đem lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Đại sứ có thể chia sẻ về những hoạt động và nội dung trọng tâm trong chuyến thăm Hungary lần này của Thủ tướng Chính phủ?
Với mục tiêu đưa quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam – Hungary đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn, chỉ trong thời gian ngắn thăm chính thức Hungary từ ngày 18-20/1, Thủ tướng Chính phủ dự kiến sẽ có hơn 15 hoạt động. Hai Thủ tướng sẽ chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác trong lĩnh vực ngoại giao, văn hoá, quản lý nước, phòng chống tội phạm, 10 văn kiện hợp tác song phương giữa các trường đại học hai nước…; cùng tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hungary có sự hiện diện của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của hai nước, truyền đi thông điệp mạnh mẽ quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Thủ tướng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ dành thời gian thăm và làm việc với một số doanh nghiệp Hungary trong các lĩnh vực trọng điểm như dược phẩm. Thủ tướng sẽ có bài phát biểu quan trọng về chính sách đối ngoại của Việt Nam và quan hệ Việt Nam – Hungary tại trường Đại học Hành chính công quốc gia Hungary với sự tham dự của các hiệu trưởng, chuyên gia, giới trí thức, học giả hàng đầu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu Hungary. Đồng thời Thủ tướng sẽ đến thăm Đại sứ quán và gặp gỡ thân tình với đại diện trí thức, cộng đồng người Việt ở Hungary; đi thăm hỏi bà con người Việt tại Trung tâm thương mại Thăng Long ở Budapest, một trong những địa điểm tập trung nhiều người Việt kinh doanh.
Hungary luôn ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ với EU, trong đó có việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Đại sứ có thể điểm qua những thành tựu quan trọng mà hai nước đã đạt được, nhất là về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, cũng như cơ hội tăng cường hơn nữa mối quan hệ Việt Nam – Hungary và Việt Nam – EU?
Thực hiện chính sách Hướng Đông, Hungary luôn chú trọng quan hệ với Việt Nam, một trong những đối tác quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời luôn ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ với EU. Đặc biệt, Hungary là một trong những nước đi đầu trong việc phê chuẩn các hiệp định EVFTA và EVIPA, góp phần tạo động lực giúp quan hệ kinh tế - thương mại song phương có những bước phát triển tốt trong thời gian qua.
Với hai hiệp định này, Việt Nam trở thành một trong những trọng điểm, cầu nối cho hàng hoá các nước châu Âu nói chung và Hungary nói riêng thâm nhập thị trường ASEAN và ngược lại. Kể từ khi ký kết EVFTA, tăng trưởng thương mại song phương đạt kỷ lục 33%, từ 354 triệu USD (2017) lên trên 1,2 tỷ USD (2022) dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Năm 2023, dù khó khăn kinh tế khu vực và thế giới, Hungary rơi vào suy thoái kinh tế, thương mại hai nước vẫn đạt khoảng 900 triệu USD. Đầu tư của Hungary vào Việt Nam vẫn ổn định với 22 dự án có tổng số vốn đăng ký 72,28 triệu USD, đứng thứ 51 trong 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư FDI vào Việt Nam.
Tôi cho rằng quan hệ truyền thống hữu nghị giữa Việt Nam và Hungary vẫn còn nhiều tiềm năng và dư địa hợp tác rất lớn, nhất là khi được sự quan tâm sát sao, gặp gỡ thường xuyên của lãnh đạo cấp cao hai nước, qua đó tiếp tục góp phần quan trọng vào củng cố quan hệ Việt Nam – EU. Đặc biệt trong bối cảnh Hungary đang bước vào giai đoạn chuẩn bị cho vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu 6 tháng cuối năm 2024 với trọng tâm là cải thiện và phục hồi nền kinh tế, chuyến thăm của Thủ tướng đến Hungary sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn đồng thời đẩy mạnh hoạt động thương mại, đầu tư của Việt Nam qua cửa ngõ Hungary thâm nhập thị trường EU.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!