Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá việc ban hành chính sách đầu tư công trung và dài hạn vẫn còn hạn chế. “Năm nay là khóa đầu tiên làm đầu tư công theo trung hạn, nên việc giao vốn, giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng đầu tư công là rất quan trọng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, khi ban hành Luật Đầu tư công, Bộ đánh giá là tiến bộ, có nhiều quy định chặt chẽ, siết chặt đầu tư công, khắc phục dàn trải, manh mún, kém hiệu quả... Trong 2 năm qua, việc triển khai vốn đầu tư công đã có nhiều nỗ lực cố gắng; nâng cao được hiệu quả sử dụng vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.
Theo đó, năm 2016, vốn đầu tư công đã giải ngân được 91,3%. Năm 2017, vốn đầu tư công đã giải ngân được 86%, thấp hơn so với năm 2016 với lý do chính là nhiều công trình đầu tư mới sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ vào thực hiện, khiến cho việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công chậm.
Theo Phó Thủ tướng, thời gian vừa qua, Bộ Y tế muốn xây dựng hình thức hợp tác công tư (PPP) trong y tế nhưng không biết làm thế nào. BOT là chủ trương đúng, mà sao hiện nay thực hiện khó? Bên cạnh đó, các Nghị định liên quan tới thể chế, phát triển rất nhiều, nhưng thực hiện còn chậm, chất lượng không bảo đảm.
"Đầu tư công đã thực hiện được hơn 2 năm, cần có đánh giá 3 năm thực hiện và cần có đề xuất để điều chỉnh", Phó Thủ tướng yêu cầu.
“Hiện nay, Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu đầu tư công. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chỉ ra được những nguyên nhân tồn tại, tại sao chậm, chậm ở đâu và ai phải chịu trách nhiệm… Quá trình triển khai sẽ giúp phát hiện để sửa đổi Luật Đầu tư công cho phù hợp. Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phải hoàn thành chất lượng cao nhất về dự án Luật Đầu tư công sửa đổi trình Quốc hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Năm 2018, Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công. Do đó, việc thực hiện mục tiêu này cũng là một thách thức. Theo Phó Thủ tướng, sẽ có 3 loại vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất, những vấn đề vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công; thứ hai là cần phân loại ra những vấn đề gì vướng mắc ở Luật đang nằm ở các Nghị định và thứ ba là tổ chức thực hiện Luật (Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có sự phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành khác).
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh đã báo cáo tình hình thực nhiệm vụ quý I/2018; đồng thời, báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, trên cơ sở tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 tối đa là 2.000.000 tỷ đồng; trong đó, quy định trích 10% dự phòng chung theo từng nguồn vốn, tổng vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 được phép phân bổ tối đa là 1.800.000 tỷ đồng. Đến nay, tổng vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn đã triển khai phân bổ và được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đạt 1.642.000 tỷ đồng, bằng 91,3% tổng mức kế hoạch được Quốc hội quyết định.
Đánh giá về những mặt được của kế hoạch đầu tư công trung hạn, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho biết, kế hoạch đầu tư công trung hạn là bước đột phá quan trọng trong quản lý Nhà nước về đầu tư công; đổi mới căn bản trong việc phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương; đối với các dự án mới, ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ các dự án lớn quan trọng, có tính lan tỏa…
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: khả năng mất cân đối ngân sách Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu chi thường xuyên lớn nên tỷ trọng vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước còn lại rất thấp, chỉ chiếm khoảng 25% tổng chi ngân sách Nhà nước, thấp hơn nhiều giai đoạn trước.
Bên cạnh đó, còn nhiều dự án, chủ yếu của các địa phương, chưa được bố trí đầy đủ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng các địa phương vẫn chưa tiến hành rà soát, cắt giảm, điều chỉnh, phân kỳ đầu tư hoặc bổ sung nguồn vốn khác…