Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Dự Hội nghị tại các điểm cầu Trụ sở Bộ Tài Nguyên và Môi trường kết nối với các điểm cẩu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường.
Thực hiện các giải pháp đột phá
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, năm 2022, toàn ngành quán triệt sâu sắc phương châm “Kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới, hội nhập, hiệu quả”, quyết tâm triển khai các trọng tâm ưu tiên: đi đầu trong chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ để tham gia giải quyết những vấn đề cấp bách toàn cầu như phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, suy thoái đất đai lưu trữ các-bon, góp phần vào thực hiện mục tiêu trung hòa các-bon. Ngành Tài nguyên và Môi trường thúc đẩy cải cách, đổi mới mạnh mẽ về thể chế, nhất là sửa đổi Luật Đất đai theo tiêu chí cao nhất về tính minh bạch trong tiếp cận thông tin, chia sẻ lợi ích từ nguồn lợi tài nguyên; tiết kiệm, hiệu quả, bền vững và bao trùm phải được ưu tiên cao nhất trong quá trình hoạch định chính sách, đầu tư tài chính cho các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên; nguồn lợi từ tài nguyên phải được tái đầu tư cho tương lai bền vững. Công tác thanh tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, thực thi công vụ, xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, đi đôi với tạo lập môi trường đổi mới sáng tạo tiếp tục đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, toàn ngành chủ động, tích cực trong ngoại giao môi trường, tài nguyên, khí hậu; thúc đẩy hợp tác, chia sẻ, tiếp thu tri thức, kinh nghiệm, khoa học, công nghệ tiên tiến trong quản trị tài nguyên và môi trường; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong thập kỷ phát triển bền vững; triển khai các giải pháp đột phá nhằm tận dụng các cơ hội hỗ trợ về tài chính, công nghệ, đón đầu dòng vốn đầu tư vào hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi mô hình phát triển và chuyển đổi năng lượng.
Báo cáo tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Tài nguyên và Môi trường cho thấy, toàn ngành đã đạt được những chỉ tiêu cơ bản đặt ra trong năm 2021, đóng góp trực tiếp, quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô. Nguồn thu ngân sách từ đất đai đạt gần 15,2% ngân sách nội địa; nguồn thu từ khoáng sản đạt 4.589 tỷ đồng; thu từ tài nguyên nước đạt khoảng 5.900 tỷ đồng. Cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được thúc đẩy với 95% số thủ tục hành chính được trả kết quả đúng hạn. Có 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện liên thông thủ tục đất đai với các tổ chức tín dụng trong thanh toán nghĩa vụ tài chính giúp cắt giảm thời gian chi phí tuân thủ thủ tục cho người dân, doanh nghiệp.
Các chỉ tiêu Quốc hội giao về tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tại khu vực đô thị đã hoàn thành, đạt khoảng 94,71% (cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao 89%). Các mô hình xử lý rác thải theo hình thức đốt rác phát điện thay cho chôn lấp được triển khai ở nhiều địa phương. 80% cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao được kiểm soát vận hành đóng góp cho tăng trưởng.
Công tác dự báo, tiệm cận với trình độ các nước tiên tiến trong khu vực, thế giới đã được nâng cao độ chính xác; trong sai số dự báo trung bình bão trong các thời hạn trước 24, 48, 72 giờ lần lượt trong khoảng 80-120km, 120-200km, 200-300km, giảm hơn 54%, thiệt hại về người, 78% thiệt hại về tài sản so với trung bình 10 năm vừa qua.
Ngành đã thiết lập các nền tảng hạ tầng số cho xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Chỉ số hài lòng của người dân doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường tăng 4,14% so với năm trước, tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh sự phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính giảm 7%, tỷ lệ người dân quan ngại về môi trường giảm từ 8,85% năm 2019 xuống còn 4,03%; số lượng đơn thư, khiếu kiện giảm 28% trong năm qua. Ngành cũng đã tích cực trong tham gia xử lý một trong những thách thức chung lớn nhất của toàn cầu tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26)...
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để giải quyết những vướng mắc về thể chế, cần tháo gỡ trong thời gian tới.
Tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài nguyên và Môi trường đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021.
Năm 2022 là năm phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để phát triển kinh tế-xã hội. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị, trong thời gian tới ngành Tài nguyên và Môi trường cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để khắc phục có hiệu quả, nhất là một số tồn tại hạn chế liên quan đến quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, thủ tục hành chính.
Phó Thủ tướng lưu ý, ngành Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo chuẩn bị đảm bảo chất lượng Đề án tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW về đổi mới chính sách pháp luật về đất đai để trình Bộ Chính trị và Trung ương theo đúng tiến độ; xây dựng Đề án sửa đổi Luật Đất đai dự kiến trình Quốc hội trong năm 2022.
“Đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Nội dung Luật Đất đai được sửa đổi liên quan đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, giá đất và vấn đề giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất..., hiện nay đang gặp nhiều vướng mắc. Các quy định pháp luật mới về đất đai sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt này, tạo ra động lực mới thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Để tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025, trên cơ sở phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 2021-2025 của Chính phủ, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần hướng dẫn, giải thích cho các bộ, ngành, địa phương về tiêu chí, tiêu chuẩn, các quy định sử dụng đất đai bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng quy định pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các địa phương. Các địa phương cần khẩn trương triển khai lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 làm căn cứ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với các ngành, địa phương tập trung rà soát, xử lý tình trạng lãng phí đất đai, đất có nguồn gốc từ các nông lâm trường quốc doanh, các dự án có vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Tài nguyên và Môi trường cần đẩy mạnh công tác điều tra đánh giá trữ lượng khoáng sản, nhất là khoáng sản chiến lược, quan trọng trên biển và đất liền; trước mắt trong năm 2022 phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải khảo sát, đánh giá trữ lượng khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng phục vụ cho xây dựng các tuyến cao tốc. “Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là vừa phải bảo đảm đủ vật liệu cho xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia vừa phải bảo đảm gìn giữ cảnh quan, bảo vệ môi trường”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Nhấn mạnh kinh tế biển có vai trò rất quan trọng và có tiềm năng rất lớn trong phát triển công nghiệp, du lịch, đô thị, vận tải biển, nuôi trồng và khai thác thủy hải sản..., Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung triển khai sớm hoàn thành Quy hoạch không gian biển và vùng bờ giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Đây là Quy hoạch rất quan trọng, làm cơ sở triển khai để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển trong giai đoạn tới bảo đảm bài bản, hiệu quả, vừa khai thác tiềm năng thế mạnh của biển vừa bảo vệ cảnh quan, môi trường biển.
Phó Thủ tướng chỉ rõ, để bảo đảm phát triển bền vững, cùng với việc định hướng, lựa chọn công nghệ hiện đại trong phát triển các ngành kinh tế trong giai đoạn tới thì ngành Tài nguyên và Môi trường phải thực hiện thật tốt việc kiểm soát xả thải và xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường (bụi, khí thải, nước thải, rác thải ra môi trường); phải có giải pháp phù hợp, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để quan trắc, giám sát, kiểm soát hiệu quả xả thải ra môi trường.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, với trách nhiệm là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch, chương trình, hiện thực hóa các mục tiêu đã cam kết.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu, ngành Tài nguyên và Môi trường cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dự báo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đầu tư trang thiết bị, mạng lưới khí tượng - thủy văn, đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm công tác dự báo chính xác, nhất là trong công tác phòng chống thiên tai; tiếp tục thực hiện đột phá về thể chế chính sách, thực hiện rà soát các quy định pháp luật để điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phân cấp phân quyền mạnh hơn, cải cách thủ tục hành chính nhằm khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tin tưởng rằng ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường vì thành tích xuất sắc trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngành Tài nguyên và Môi trường; Cờ Thi đua của Chính phủ cho 5 tập thể đã dẫn đầu Phong trào thi đua năm 2021 của ngành Tài nguyên và Môi trường.