Nghiên cứu hình thành tòa án khu vực
Theo đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), đối với dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Ban soạn thảo đưa ra nội dung rất hay là việc đổi tên tòa án không gắn tên theo địa giới hành chính, tòa án cấp huyện, cấp thành phố, mà thành tòa án sơ thẩm và phúc thẩm. Thực tế có địa phương tòa án mỗi năm xét xử số vụ rất ít. Nếu ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, việc phải duy trì đủ số lượng biên chế để phục vụ công tác sẽ gây tốn kém, lãng phí. Do đó, đại biểu Nguyễn Tạo ủng hộ quan điểm hình thành tòa án sơ thẩm và tòa án phúc thẩm; qua đó tăng thẩm quyền xét xử của tòa án cấp huyện.
“Vẫn nguồn nhân lực đó, số vụ việc đó, nhưng số lượng thẩm phán sẽ được “gom” lại, biên chế tòa án sơ thẩm sẽ được tăng cường”, đại biểu cho biết.
Hiện nay, hoạt động tòa án đang đan xen, có trường hợp tòa án cấp huyện xét xử sơ thẩm, có lúc cấp phúc thẩm vẫn xét xử sơ thẩm. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nội dung về phân định và tăng thẩm quyền cho tòa án cấp huyện để đảm bảo xét xử sơ thẩm tất cả vụ án thuộc thẩm quyền.
“Có thể gom lại, với số vụ việc ít, dân cư ít, các quan hệ phát sinh tranh chấp ít, có thể hình thành tòa án khu vực. Như vậy, vừa có thể tăng cường sử dụng được trụ sở, nguồn nhân lực và tối đa hiệu quả sử dụng chi phí hàng năm. Hiện nay, bất cập là các tòa án ở khu vực trung tâm, mỗi thẩm phán có thể đảm nhận hàng trăm vụ việc mỗi tháng. Nhưng tại cấp huyện, bình quân hàng năm chỉ nhận 10 vụ. Như vậy, nguồn nhân lực bị dư thừa”, đại biểu Nguyễn Tạo nêu ý kiến; đồng thời cho rằng, cần tập trung nguồn nhân lực, vật lực, đầu tư điều kiện cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng xét xử của tòa sơ thẩm, phát huy hiệu quả của tòa án phúc thẩm trong thời gian tới.
Trao quyền cho Thủ đô để ban hành quy định
Đánh giá về một số cơ chế, chính sách được đưa ra trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) hiện nay đã có những thay đổi căn bản và có tính đột phá với tinh thần trao quyền quyết định nhiều hơn cho Thủ đô trong việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quyết định khác biệt so với quy định chung của cả nước.
“Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, cần trao quyền cho Thủ đô được ban hành các quy định ở mức tiên tiến hơn. Bên cạnh đó, một số yếu tố đến nay vẫn kìm hãm sự phát triển của Thủ đô, điển hình là cải tạo, chỉnh trang đô thị, nếu như sử dụng những cơ chế thông thường thì không thực hiện được mà cần phải có sự đột phá riêng; đặc biệt là những vấn đề liên quan đến khai thác tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội như sông Hồng và một số dòng sông khác”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nếu vẫn duy trì các quy định như hiện nay là theo điều chỉnh của Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai, các dòng sông của Hà Nội sẽ tiếp tục bị để hoang hóa giống như các dòng sông của nhiều tỉnh khác. Trong khi đó, ở thủ đô của nhiều nước, nơi các dòng sông đi qua góp phần tạo nên bộ mặt chính của đô thị. Vì vậy, phải có cơ chế đặc thù cho việc khai thác tiềm năng như quản lý sông, hồ trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Trao đổi thêm vấn đề về phân bổ hoạt động sản xuất giữa Thủ đô với các khu vực, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, Thủ đô phải là nơi được lựa chọn tập trung đầu tư các yếu tố trình độ phát triển cao nhất, tinh túy nhất. Những vấn đề mang tính chất gây ra các yếu tố như ô nhiễm, tạo ra sức ép về nhân lực... thường phải phân bố ra bên ngoài. Song hiện nay chưa có quy định trong việc sàng lọc, lựa chọn các hoạt động đầu tư vào trong không gian, địa phận của Thủ đô. Do đó, những vấn đề như: xử lý rác thải, nghĩa trang đô thị... luôn tạo sức ép cho đô thị Hà Nội, cần được phân tán ra ngoài phạm vi Thủ đô.