Tết này, Lục Khu không còn khát

Từ bao đời nay, với người dân trên các xã vùng Lục Khu, huyện Hà Quảng (Cao Bằng), nước là một thứ gì đó rất xa xỉ trong cuộc sống, nhất là vào mùa khô kéo dài từ 5 đến 6 tháng.


Chính vì vậy, vào mỗi dịp đón Tết Nguyên đán, ngoài việc chuẩn bị gạo thịt, bánh trái..., thì nước là thứ vô cùng quan trọng mà bà con không thể không chuẩn bị từ trước. Tuy nhiên, từ khi Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống bể vải địa kỹ thuật cho vùng Lục Khu, nước không còn là nỗi lo của người dân nữa.

Chúng tôi đến thăm một số xã nghèo của vùng Lục Khu vào những ngày giữa đông. Con đường tới Lục Khu ngoằn ngoèo như con rắn khổng lồ bò men theo triền núi. Đoạn đường đến Lục Khu có chỗ được thảm nhựa, có chỗ lổn nhổn đá.


Đường từ trung tâm huyện Hà Quảng đến Lục Khu không xa, chừng hơn chục cây số. Chiếc xe máy “cõng” tôi xếp vào loại khỏe mà cũng chỉ có thể tăng lên số 2 rồi lại phải về số 1. Sau gần một tiếng đồng hồ, chúng tôi cũng chinh phục được đoạn đường tưởng như dài vô tận và đến Lục Khu cũng là lúc trời xế chiều.


Lục Khu xuất hiện trước mắt tôi như bức tranh hùng vĩ. Ở đây, ngô chen đá tai mèo, đá tai mèo chen ngô. Tuy nhiên cảnh tượng này có cái gì đó khác với cách đây 2 năm khi lần đầu tôi đến Lục Khu.


Vẫn đá chen cây, cây chen đá nhưng có vẻ nay cây cối như xanh tươi hơn, bên những nương lạc, nương ngô có những thiếu nữ dân tộc Tày, Nùng, Mông hối hả gánh nước tưới mát cho hoa màu. Bên mái nhà sàn, những đứa trẻ thỏa thích tắm mà không còn sợ thiếu nước...

Hồ chứa nước mới được xây dựng. Ảnh: Mạnh Hà


Đặt gánh nước nặng trĩu trên vai xuống, chị Nông Thị Hoa, một người dân ở xã Hồng Sỹ cho hay: “Từ ngày có cái bể nước của Chính phủ, bà con chúng tôi không còn khốn khổ vì nước nữa.


Bây giờ không chỉ đủ nước dùng cho sinh hoạt hàng ngày mà có cả nước để dùng cho gia súc, gia cầm và để tưới cho hoa màu, cây trái. Cuộc sống của bà con quê tôi như thay da, đổi thịt. Dân quê tôi ơn Đảng, ơn Chính phủ nhiều lắm!”.

Bên hồ nước Tả Cán, xã Tổng Cọt, lão nông Long Thế Vu vồn vã trò chuyện. Biết chúng tôi tìm hiểu về đời sống của bà con Lục Khu, rót một chén rượu ngô, ông cười thật thà: “Trước đây, với mỗi người dân vùng Lục Khu, bài học đầu tiên được học và theo suốt cuộc đời là phải biết tiết kiệm nước, biết chịu khát”. Rồi ông tếu táo:


“Ở đây, thiếu nước quanh năm nên phải giải khát bằng thứ này”, ông nâng cao chén rượu, hồ hởi: “Nào! Chúc sức khỏe các anh, không quản ngại đường sá, núi đá cheo leo đến thăm bà con...”.


Ông Vu cho biết thêm: “Ở đây, điều mà dân bản quan tâm chẳng phải là lúa gạo, ngô khoai mà chủ yếu xoay quanh cái lu nước. Cây ngô, cây đậu tương là cây kinh tế chủ lực của Lục Khu. Nó ưu đãi chúng tôi lắm, cứ lẫm lên núi rồi đến mùa vụ là đi thu hoạch thôi (lẫm - dùng đòn xóc nhọn đầu chọc lỗ rồi tra hạt ngô vào đó - PV).


Năng suất lắm! Chúng tôi không cấy lúa đâu, mình trồng ngô rồi đem đổi lấy gạo ăn thôi. Lương thực chẳng lo thiếu bao giờ. Ở đây cái quý nhất là nước. Nước ở Lục Khu còn được quý hơn vàng. Để “giải” cơn khát cho Lục Khu đã có nhiều đoàn về khoan thăm dò, tìm nguồn nước cho bà con nhưng rồi cũng đành... chịu”. Chỉ đến khi những bể chứa nước bằng vải địa kỹ thuật ra đời thì bài toán thiếu nước mới được giải.

Người dân ở Lục Khu gánh nước về sử dụng. Ảnh: Mạnh Hà


Để nước mưa và nước nguồn trong núi không bị ngấm hết xuống hang cátxtơ rồi chui tuột mất, những người xây dựng hồ chứa nước đã tận dụng những vùng trũng rồi đánh mìn phá đá để tạo thành hồ chứa nước. Để hồ không bị ngấm nước, người ta trải xuống đáy và thành hồ một tấm vải nhựa gần giống như áo mưa (nhưng dày hơn) sau đó mới đổ bê tông lên.

Theo ông Bế Nhật Thành, Giám đốc Trung tâm nước sạch tỉnh Cao Bằng, để khắc phục tình trạng thiếu nước cho vùng Lục Khu, đến nay Nhà nước đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xây dựng hơn 30 hồ chứa nước bằng vải địa kỹ thuật.


Hiện 21 hồ đã được đưa vào sử dụng và phát huy rất tốt vai trò trữ nước. Ngoài hệ thống hồ chứa còn hàng trăm chiếc lu và bể nổi cũng đã được đầu tư cho bà con nơi đây để chứa nước mưa.


Theo tính toán sơ bộ, đến nay mỗi người dân Lục Khu từ chỗ thiếu nước trầm trọng đã được dùng 45 lít nước/ngày/người. Nếu không gặp phải những năm đặc biệt khô hạn, bà con nơi đây đã cơ bản thoát khỏi tình trạng “khát nước”.

Trời vừa sáng, một cơn mưa trái mùa lại ập xuống vùng núi đá Lục Khu, vừa chạy mưa, ông Vu vừa lẩm bẩm: “Vậy là trời lại thương Lục Khu rồi, các hồ chứa lại thêm đầy, chắc Tết năm nay sẽ đủ nước dùng, không còn khốn khổ như năm ngoái nữa”.

Chúng tôi rời Lục Khu khi trời vừa tạnh, hình như lần này tâm trạng mỗi người trong đoàn đều vui hơn khi biết người dân Lục Khu không còn khát. Và tôi còn nhớ mãi câu nói của một cụ già lúc chia tay: “Trời thì cho nắng cho mưa - Đảng và Chính phủ cho hồ, cho lu (chứa nước-PV), người dân Lục Khu ơn Đảng, ơn Trời nhiều lắm!”.

Mạnh Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN