Thế nào là buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý? Định nghĩa cụm từ này, tại Khoản 10 Điều 2 Quyết định 263/QĐ-TW năm 2014 xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm do Ban Chấp hành Trung ương ban hành, nêu rõ là tổ chức đảng có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, nhưng thực hiện không đúng, không đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; không ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo hoặc đề ra chủ trương, kế hoạch, biện pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện; không phân công trách nhiệm cụ thể, không đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý.
Còn một cách hiểu thông thường đối với cụm từ này, đó là chỉ sự buông lơi, lỏng lẻo, không làm trọn phận sự được giao dẫn tới những hệ lụy, hậu quả ngoài ý muốn. Nhẹ là khiến công việc rơi vào tình trạng dồn ứ, chậm trễ, bị ngừng lại. Nặng có thể gây thất thoát lớn ngân sách Nhà nước, hoặc làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Ở đại án Việt Á, sự vi phạm "buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý" nêu trên có hoàn toàn như cách hiểu thông thường? Để có câu trả lời, hãy nhìn vào đường đi của một đề tài khoa học cấp Nhà nước phục vụ cấp bách cho việc phòng, chống đại dịch COVID-19 đã bị một số tổ chức, cán bộ cấp cao tại Học viện Quân y, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế thao túng, làm trái và trục lợi.
Ngay từ khi xác định nhiệm vụ, giao tổ chức thực hiện, những người có trách nhiệm trong vụ việc này đã làm trái pháp luật, khâu nào cũng không đúng quy định. Học viện Quân y không thông qua Bộ Quốc phòng mà gửi văn bản đặt hàng thẳng lên Bộ Khoa học và Công nghệ về nghiên cứu bộ kit xét nghiệm phát hiện COVID-19. Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật thì trực tiếp nhận văn bản đề nghị của Học viện Quân y rồi tham mưu, trình Bộ Khoa học và Công nghệ.
Một việc làm trái quy định nữa là khi Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ được thành lập và hoạt động, Hội đồng đã kiến nghị xét giao trực tiếp việc thực hiện đề tài theo hướng Học viện Quân y là cơ quan chủ trì; Công ty Việt Á là cơ quan phối hợp, theo đề xuất của Chủ tịch Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ Lê Bách Quang (nguyên Phó Giám đốc Học viện Quân y), nhưng không đưa ra hội đồng thảo luận, nhằm mục đích để Công ty Việt Á được tham gia sản xuất thử nghiệm bộ kit xét nghiệm COVID-19. Cái sai nọ chồng lên cái sai kia để rồi một công trình khoa học tiêu tốn ngân sách Nhà nước gần 19 tỷ đồng rơi vào tay Công ty Việt Á, giúp Công ty này thâu tóm, chiếm đoạt bất hợp pháp, chuyển sản phẩm nghiên cứu của Nhà nước thành sở hữu riêng, từ đó tiến hành thương mại hóa cung cấp ra thị trường, thu lợi bất chính hàng ngàn tỷ đồng.
Trong vụ việc này còn có vi phạm của Ban Cán sự đảng và lãnh đạo Bộ Y tế. Trong đó, những vi phạm của Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Đặng Đức Anh khi xác nhận chất lượng bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 do Học viện Quân y và Công ty Việt Á phát triển, đã kéo theo nhiều vi phạm và để Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành bộ kit xét nghiệm COVID-19 được mang tên Công ty Việt Á sản xuất. Bộ Y tế đã ban hành 6 văn bản, trong đó có văn bản đưa ra giá tham khảo một bộ kit là 470 ngàn đồng để các CDC tỉnh, thành phố, các bệnh viện căn cứ vào đó, đưa ra giá đấu thầu, mua của Việt Á…
Dẫn chứng trên đã cho thấy, đây không còn là chuyện "buông lỏng" theo nghĩa thông thường mà là cố tình vi phạm, tiếp tay, lách luật vì động cơ vụ lợi, nhóm lợi ích, thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả, nhiều sai phạm rất nặng.
Mới đây, nêu ra những bài học đắt giá từ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên liên quan vụ kit xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Công ty Việt Á, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ rõ: Một số cán bộ, đảng viên suy thoái đã lợi dụng sự buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự đảng và lãnh đạo bộ, có biểu hiện "liên minh lợi ích nhóm", dẫn tới hàng loạt vi phạm của đảng viên, tổ chức đảng.
Tinh thần tự phê bình và phê bình đối với đảng viên trong các tổ chức đảng có đảng viên vi phạm còn yếu, nên vô tình đã như "đồng lõa" với vi phạm và để vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đến đây thì đã rất rõ!
Trở lại với khuyết điểm của các tổ chức đảng có đảng viên vi phạm nêu trên, có thể thấy một vấn đề nổi lên là sự sơ hở, thậm chí là tê liệt trong công tác quản lý cán bộ, đảng viên tại các tổ chức đảng liên quan đến đại án Việt Á. Thời điểm nổ "quả bom" Việt Á với sự dính líu của hàng loạt giám đốc CDC và giám đốc các bệnh viện, sở y tế các tỉnh, thành phố, nhiều đảng viên lão thành cách mạng đã đặt câu hỏi: Dường như tổ chức đảng của những vị này không kiểm tra, không giám sát, không nắm được cán bộ đang làm gì, thực hiện nhiệm vụ ra sao hoặc có thể biết nhưng không dám nói?
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương từng nhấn mạnh: Không có kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo. Việc kiểm tra, giám sát có mục đích để phát hiện và uốn nắn những sai trái. Giám sát như camera theo dõi, còn kiểm tra là tuân theo các quy trình chặt chẽ hơn từ A đến Z và ban hành kết luận. Giám sát để mang tính phòng ngừa là chính. Cho nên bắt đầu từ Đại hội XI, bên cạnh "kiểm tra" đã có thêm vấn đề "giám sát" là như vậy.
Nhưng cũng có người cho rằng: Đó là bởi bệnh quan liêu, lộng quyền!?
Nếu vậy, cần nhớ, Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: "Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân". Còn, V.I. Lenin đã nghiêm khắc cảnh báo quan liêu là nguy cơ lớn nhất của Đảng cầm quyền với một câu nói nổi tiếng: "Toàn bộ công việc của tất cả cơ quan kinh tế của chúng ta bị khốn khổ trước hết vì bệnh quan liêu. Nếu có cái gì làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó".
Bài 4: Lỗ hổng trong kiểm soát quyền lực