Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình đánh giá cao những kết quả đã đạt được của tỉnh Thái Nguyên trong triển khai thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong 3 năm liên tục từ 2014 đến 2016, Thái Nguyên luôn đứng trong Top 10 tỉnh có chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) cao nhất cả nước. Tính đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã có 132 dự án FDI, với tổng số vốn đầu tư đạt trên 7,6 tỷ USD, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố.
Tỉnh Thái Nguyên đã có cách làm chủ động, sáng tạo, quyết liệt thông qua việc ban hành những chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, Thái Nguyên cần xác định các ngành, sản phẩm chủ lực, mũi nhọn, đồng thời chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa nhiều hơn vào đổi mới, sáng tạo và tăng năng suất, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình đánh giá cao việc thực hiện công tác quy hoạch của tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua. Trong đó, Thái Nguyên đã có Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Nhiều chính sách đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng được đồng chí Nguyễn Văn Bình ghi nhận như: Chính sách phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị, bố trí lại dân cư, xây dựng nông thôn mới; chính sách liên kết vùng trong phát triển hạ tầng, du lịch, bảo vệ môi trường. Nhiều chính sách xã hội được triển khai đồng bộ, kịp thời như chính sách đối với người có công, chính sách an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại hội nghị, các đại biểu cho rằng tỉnh Thái Nguyên cần khẳng định sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò, chức năng của tỉnh với tư cách là “cực tăng trưởng” của vùng, từ đó có tác động thu hút, lan tỏa và là đầu kéo cho toàn vùng trong phát triển kinh tế, liên kết xây dựng chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất (nông - công nghiệp - dịch vụ), liên kết giáo dục, dạy nghề, lao động, việc làm, thu nhập…
Ngoài ra, Thái Nguyên có lợi thế phát triển công nghiệp, dịch vụ nên cần nắm bắt cơ hội, tạo dựng môi trường, chuẩn bị tốt điều kiện đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư của một số nước trên thế giới.
Theo ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, sau 15 năm tích cực triển khai thực hiện, Nghị quyết số 37 đã trở thành động lực quan trọng làm thay đổi đời sống kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của cả vùng trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng.
Tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn duy trì ở mức cao, bình quân giai đoạn 2004 - 2018 là 12,8%/năm; cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch rõ nét theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; thu ngân sách Nhà nước hàng năm trên địa bàn đều vượt chỉ tiêu dự toán Trung ương giao và của tỉnh đề ra. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2018 đạt 55.188 tỷ đồng (gấp 15,7 lần năm 2004), GRDP bình quân đầu người tăng từ 5,9 triệu đồng năm 2004 lên 77,7 triệu đồng năm 2018, tương đương 3.370 USD/người/năm (mục tiêu đến năm 2020 theo Nghị quyết số 37-NQ/TW là 2.000 USD/người/năm).
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường, các chính sách xã hội được quan tâm, diện mạo của tỉnh từ thành thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc. Đời sống nhân dân tỉnh Thái Nguyên ngày càng được cải thiện, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng được nâng cao.
Dịp này, 23 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của tỉnh Thái Nguyên được nhận Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên.