Việt Nam là một trong những quốc gia thành viên ASEAN bị ảnh hưởng nặng nề bởi bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại. Điều này không chỉ gây ra hiểm họa đối với cuộc sống của người dân mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh: Để có thể cung cấp sự hỗ trợ một cách toàn diện cho các nạn nhân bom mìn, cần xem xét, áp dụng các công cụ pháp lý, tiêu chuẩn chính sách và đồng thời xem xét các khía cạnh rộng hơn liên quan đến nhân đạo, phát triển, nhân quyền. Hoạt động hỗ trợ nạn nhân không chỉ bao gồm việc cung cấp hỗ trợ y tế và phục hồi chức năng mà còn phải giúp họ chủ động, tự tin, nhân biết và tham gia vào các cơ hội kinh doanh, việc làm, xã hội.
"Để làm được điều này đòi hỏi có sự hợp tác, cam kết toàn diện, dài hạn của các quốc gia trên toàn thế giới, các quốc gia trong khu vực ASEAN, các quốc gia đã từng phải hứng chịu hậu quả bom mìn, kể cả các quốc gia không bi ảnh hưởng bởi bom mìn do chiến tranh", Phó Tổng Giám đốc Thường trực Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam khẳng định.
Dự án “Nâng cao hiệu quả chương trình hỗ trợ nạn nhân bom mìn sau chiến tranh tại các quốc gia thành viên ASEAN” là một trong những giải pháp do Trung tâm Hành động bom mìn khu vực ASEAN đề xuất, phối hợp với các quốc gia thành viên trong khu vực cùng thực hiện với sự tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc và Quỹ Hợp tác ASEAN - Hàn Quốc. Hội nghị lần này là một trong những hoạt động khởi đầu của dự án với mục tiêu thiết lập một hệ thống cơ sở hỗ trợ nạn nhân bom mìn cấp khu vực.
Hội nghị tập trung vào các nội dung chính: Định hướng về một phương pháp tích hợp đối với hỗ trợ nạn nhân, cách thức thực hiện hiệu quả nhất và những thách thức trong áp dụng cách tiếp cận tích hợp cấp quốc gia; quan điểm quốc gia về hỗ trợ nạn nhân và phương pháp tiếp cận hỗ trợ nạn nhân, tổng quan về dịch vụ, thách thức, vai trò và trách nhiệm; quan điểm toàn cầu về hỗ trợ nạn nhân và giới thiệu về một số nội dung trong Các tiêu chuẩn hành động bom mìn quốc tế liên quan đến hỗ trợ nạn nhân; công tác thiết lập Hệ thống Hỗ trợ nạn nhân cấp khu vực.
Gửi lời cảm ơn tới người dân và Chính phủ Hàn Quốc vì đã tài trợ cho Dự án, đồng thời, ông Prum Suonpraseth, Giám đốc điều hành Trung tâm Hành động bom mìn khu vực ASEAN bày tỏ sự cảm ơn đối với Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam và các đối tác đã cùng chủ trì tổ chức sự kiện lần này. Ông Prum Suonpraseth cho biết: Trung tâm Hành động bom mìn khu vực ASEAN đã đi vào hoạt động được 4 năm và trở thành một đơn vị uy tín trong khu vực về lĩnh vực này, không chỉ nỗ lực đóng góp vì sự phát triển của cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN mà còn thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề kinh tế - xã hội thông qua việc mở rộng các quan hệ đối tác, tạo điều kiện chia sẻ kiến thức và hỗ trợ chia sẻ sáng kiến.
Hiện nay, còn rất nhiều bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở nhiều quốc gia ASEAN, gây hại đến tính mạng của người dân, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như các quốc gia. Do đó, việc xây dựng, triển khai các dự án hỗ trợ nạn nhân bom mìn sau chiến tranh tại các quốc gia thành viên ASEAN là hết sức cần thiết, giúp tạo điều kiện nhiều hơn để họ vượt qua vô số rào cản trong quá trình thụ hưởng, tiếp cận và tham gia các dịch vụ cần thiết như trong vấn đề học tập, việc làm và cuộc sống. Theo ông Prum Suonpraseth, dự án lần này là một trong 4 dự án đang được thực hiện trong các chương trình hành động bom mìn của Trung tâm Hành động bom mìn khu vực ASEAN nhằm giải quyết các khía cạnh nhân đạo và sẽ được vận hành dựa trên các mục tiêu được liên kết với nhiệm vụ, chức năng chính của Trung tâm này.
Ông Trần Hữu Thành, Trưởng phòng Đối ngoại, Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam cho rằng: Từ thực tiễn hoạt động với vai trò là cơ quan tham mưu cho Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701), Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, trong đó, yếu tố quan trọng là cần có hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, phân cấp, phân quyền cụ thể. Bên cạnh đó, theo ông Thành, đặc biệt cần chú trọng vai trò nòng cốt là hệ thống ngành dọc của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội trong phối hợp triển khai 5 mặt của công tác hỗ trợ nạn nhân, gồm: quản lý thông tin; chăm sóc y tế; phục hồi chức năng; giáo dục hỗ trợ tâm lý, pháp lý; đào tạo, dạy nghề.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tích cực thảo luận, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bom mìn do cơ quan, tổ chức mình đảm nhiệm, qua đó tạo cơ sở dữ liệu đầu vào hữu ích cho việc nghiên cứu thiết lập, vận hành hệ thống cơ sở hỗ trợ nạn nhân bom mìn cấp khu vực đồng bộ, có hiệu quả.