Theo báo cáo của UBND huyện Như Xuân và kết quả kiểm tra thực tế, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu bão số 4, ở huyện Như Xuân đã xảy ra mưa lớn kéo dài, gây ra sự cố sạt lở đồi đất phía sau Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Như Xuân. Chiều dài cung sạt khoảng 90m, đỉnh cung sạt cách chân mái taluy khoảng 50m, chiều rộng vết nứt từ 30 - 40cm, chiều cao sụt khoảng 50cm, làm tường chắn đất mái taluy bị trượt, đứt gãy khoảng 50m, đất đá sạt lở đã chạm chân tường phía sau nhà đa năng và nhà lớp học 2 tầng.
Ngoài ra, sự cố sạt lở đất còn có nguy cơ gây thiệt hại cho các hạng mục, công trình hiện hữu khác của Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Như Xuân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tính mạng thầy, cô giáo, học sinh, việc dạy và học của trường. Hiện nay, đang là thời kỳ cao điểm của mùa mưa, sạt lở có nguy cơ tiếp tục phát triển và diễn biến phức tạp, khó lường.
Trước thực trạng trên UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND huyện Như Xuân tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của sạt lở và báo cáo kịp thời khi có tình huống nguy hiểm xảy ra. Thực hiện rào chắn, cắm mốc quan trắc và biển cảnh báo nguy hiểm trong phạm vi sạt lở, đồng thời thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; không cho người, vật nuôi và phương tiện đi vào khu vực sạt lở và có nguy cơ bị ảnh hưởng của sạt lở, nhất là khi xảy ra mưa lớn.
Địa phương khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án trọng điểm sạt lở đồi đất khu vực Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Như Xuân, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước, nhân dân theo phương châm “bốn tại chỗ”. Chính quyền chủ động di dời người, tài sản ở nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng khi xảy ra mưa lớn và các tình huống nguy hiểm; gia cố phù hợp để hạn chế sự phát triển và ảnh hưởng của sạt lở.
Huyện Như Xuân kiểm tra, khảo sát, đánh giá cụ thể về phạm vi, quy mô, mức độ sạt lở và giải pháp xử lý phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí để đầu tư và triển khai thực hiện, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, ổn định lâu dài cho khu vực bị ảnh hưởng của sạt lở…
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự Thanh Hóa, tính đến 7 giờ sáng 23/9, tỉnh đã chủ động sơ tán 1.010 hộ dân với 3.721 nhân khẩu ở vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn (Quan Sơn 116 hộ/543 khẩu; Quan Hoá 71 hộ/279 khẩu; Mường Lát 443 hộ/1.479 khẩu;…)
Toàn tỉnh có 113 nhà bị thiệt hại do mưa lũ; trong đó có 112 nhà bị thiệt hại do sạt lở đất, 1 hộ bị tốc mái, 2 nhà di dời khẩn cấp. Trên các tuyến Quốc lộ, mưa lũ đã làm sạt lở taluy dương, taluy âm tại 178 vị trí với chiều dài 162m, khối lượng hơn 60.000m3 (QL 15, 15C, 16, 217, 47). Hiện tại có 5 vị trí gây tắc đường (QL15C 4 vị trí, QL16 1 vị trí); 2 điểm bị ngập mặt đường (Km42+700-KM42+760 thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hoá; Km14+600-Km14+650 xã Nam Tiến, huyện Quan Hoá).
Mưa lũ đã khiến nhiều đập tràn ở các huyện miền núi ngập sâu, ảnh hưởng đến an toàn của người dân khi lưu thông, hiện đã ghi nhận thiệt hại về người. Theo đó, sáng 23/9, khi lưu thông qua tràn ở xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân, 2 anh em đã bị dòng nước xiết cuốn trôi, hiện đã cứu được 1 nạn nhân. Người dân vẫn đang tích cực tìm kiếm nạn nhân còn lại…