Thành phố Hồ Chí Minh lên kịch bản ứng phó khi tình hình dịch bệnh COVID-19 xấu nhất

Tại buổi họp khẩn của Ban chỉ đạo dịch bệnh TP Hồ Chí Minh chiều 29/2, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, đề nghị Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tính toán lại tổng số giường bệnh cách ly trong thời gian tới và có thể đề nghị thành lập khu cách ly quốc gia, đồng thời hình thành một trung tâm điều hành nhân lực.

An toàn của học sinh, giáo viên được đặt lên hàng đầu

Mặc dù TP Hồ Chí Minh đã kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, nhưng căn cứ vào tình hình dịch bệnh trên thế giới, Thành phố phải tính toán đến những phương án xấu nhất để kiểm soát dịch bệnh. Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện trên địa bàn Thành phố có 2.000 trường học với 1,9 triệu học sinh và giáo viên, chưa kể ở các trường đại học, cao đẳng. Bên cạnh đó, ý thức giữ gìn vệ sinh của học sinh chưa cao, nên khả năng nhiễm bệnh rất lớn. Việc bảo đảm sức khỏe cho học sinh và giáo viên trên địa bàn Thành phố được đưa lên ưu tiên lên hàng đầu.

Chú thích ảnh
An toàn của học sinh và giáo viên được đặt lên hàng đầu.

Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, nếu quyết định cho học sinh nghỉ học theo từng tuần thì rất bất tiện trong việc chủ động bố trí sinh hoạt và công tác của các gia đình có con nhỏ, nên Thành phố đã đề xuất cho học sinh nghỉ đến hết tháng 3. Tuy nhiên, với lịch thi THPT Quốc gia được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, thì học sinh học lớp 12 không thể nghỉ như vậy, bởi không còn thời gian để học bù. Do đó, Thành phố đã quyết định cho học sinh khối này đi học vào ngày 9/3.

“Sắp tới, khi 73.000 học sinh và giáo viên lớp 12 đi học trở lại, Thành phố phải tính toán đủ số lượng khẩu trang, còn nếu không đeo khẩu trang đến trường thì phải tính toán mức an toàn cho học sinh và giáo viên như đo thân nhiệt, vệ sinh khử khuẩn… Những học sinh, giáo viên có thân nhiệt không ổn định không được đến trường”, ông Nguyễn Thành Phong chỉ đạo.

Ông Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, đã bày tỏ sự lo lắng khi sinh viên đi học trở lại. Ông Đạt cho biết, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh có 75.000 sinh viên của 7 trường thành viên và số lượng sinh viên đang ở ký túc xá là khoảng 45.000 người, khi nhập học sẽ có nhiều sinh viên từ các tỉnh thành, kể cả nơi đã từng có dịch, tập trung tại TP Hồ Chí Minh. Đây là điều rất đáng lo ngại.

“Khi sinh viên đi học trở lại sẽ là môi trường tập trung rất đông người. Nếu một sinh viên bị nhiễm bệnh COVID-19, thì cả trường và người dân đều bị ảnh hưởng. Thời gian tốt nghiệp đại học chậm lại một chút cũng không sao cả”, ông Huỳnh Thành Đạt nói. Chính vì vậy, ông Huỳnh Thành Đạt kiến nghị nên cho sinh viên tất cả các trường đại học tại Thành phố được nghỉ học cho đến hết tháng 3/2020.

Gấp rút tính toán chế độ bồi dưỡng cho nhân viên y tế tham gia chống dịch

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh phải tính toán, đảm bảo số giường cách ly trong thời gian tới

Tính riêng trong ngày 28/2, TP Hồ Chí Minh có 13 chuyến bay đến từ Hàn Quốc với hơn 1.200 hành khách. Từ ngày 29/2, số lượng chuyến bay từ Hàn Quốc tới TP Hồ Chí Minh giảm xuống còn 10 chuyến/ngày với lưu lượng trên 1.000 khách. Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, những người về từ Hàn Quốc phải khai báo y tế, sau đó Trung tâm y tế sẽ sàng lọc lại. Những người không có dấu hiệu dịch tễ, Thành phố sẵn sàng hỗ trợ xe đưa bệnh nhân về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật địa phương. Công tác này được thực hiện quyết liệt nhằm kiểm soát tốt hơn.

Theo thống kê, Trung tâm cách ly tập trung Củ Chi hiện đang thực hiện cách ly 226 người, trong đó có 41 người Hàn Quốc, 2 người về từ vùng dịch. Với mức độ dịch bệnh và số lượng người về từ Hàn Quốc, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai mở rộng nhiều khu cách ly tập trung.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện có 22.000 người Việt đang làm việc tại Hàn Quốc, trong đó ước tính có khoảng 7.000 người lao động ở các tỉnh phía Nam, do đó Thành phố phải tính toán số giường cách ly trong thời gian tới; đồng thời thành lập thêm các khu cách ly tập trung ở Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ và tận dụng thêm các khu cách ly ở Bệnh viện 175. Trong thời gian học sinh nghỉ học, có thể mượn kí túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh với 40.000 giường làm khu cách ly tập trung. “TP Hồ Chí Minh sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh, tuy nhiên Thành phố cũng phải tính toán đến khả năng tiếp nhận của mình. Do đó, TP Hồ Chí Minh sẽ đề xuất thành lập một khu cách ly quốc gia trong điều kiện các tỉnh không đủ khả năng tiếp nhận”, ông Nguyễn Thành Phong cho biết.

Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, hiện toàn TP Hồ Chí Minh có 1.478 giường bệnh đã chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng tiếp nhận cách ly; trong đó, tại thành phố là 720 giường, tại 24 quận huyện là 758 giường. Cho đến 29/2, Trung tâm cách ly tập trung Nhà Bè đã sắp hoàn thành 120 giường và dự bị tại quận 7 là 100 giường, Bệnh viện 175 (Gò Vấp) chuẩn bị 200 giường. Dự kiến, khu cách ly tập trung Củ Chi sẽ được mở rộng, nâng cấp lên thành 470 giường, nâng tổng số giường bệnh lên 650 giường, đáp ứng nhu cầu người từ Hàn Quốc về và khách quốc tế trong thời điểm hiện nay. Đồng thời, theo yêu cầu của Quân khu 7 và Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh, sẽ dành cho hai vị trí là Trường quân sự Quân khu quận 12 và Sư đoàn 317 ở huyện Hóc Môn là 1.500 giường, dự trù trong những tháng tới.

Trước đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã đề nghị Công an cửa khẩu Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp và cung cấp cho ngành y tế và Ủy ban nhân dân quận, huyện thông tin hành khách đến từ vùng có dịch nhập cảnh vào thành phố để tiến hành cách ly y tế. Phía Công an Thành phố chỉ đạo công an các quận, huyện phối hợp với chính quyền địa phương và các ban ngành rà soát tất cả các trường hợp nhập cảnh vào thành phố, đặc biệt những người nhập cảnh từ Daegu và khu Bắc Gyeongsang (Hàn Quốc) từ ngày 11/2 để tổ chức giám sát, theo dõi sức khỏe và cách ly y tế kịp thời.

Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, hiện nay, TP Hồ Chí Minh chỉ có 349 bác sĩ chuyên khoa về nhiễm và 996 điều dưỡng ở khoa nhiễm. Trong khi đó, theo tính toán, một người nhiễm phải có 12 người phục vụ. Nếu 1.000 người mắc bệnh thì phải có trên 10.000 nhân viên y tế phục vụ, do đó để chuẩn bị đảm bảo về nguồn nhân lực, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phải tập huấn ngắn hạn với những y, bác sĩ ở các khoa khác để khi số ca bệnh lớn có thể điều phối thêm để hỗ trợ.

“Phải đảm bảo an toàn cho những bác sĩ tham gia công tác chống dịch, kiên quyết không để nhân viên y tế nhiễm bệnh. Song song đó, Sở Y tế phải gấp rút đề xuất gói kinh phí bồi dưỡng, hỗ trợ cho các y, bác sĩ tham gia chống dịch và kinh phí cơ sở vật chất, trang thiết bị”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Theo quan điểm của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, từ kinh nghiệm các nước khác, khi chăm sóc người bệnh COVID-19, cần tổ chức 2 ca trực để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế, thay vì chỉ một ca như hiện nay.

Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Ca đột tử ở Bắc Từ Liêm trong diện nghi nhiễm đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2
Ca đột tử ở Bắc Từ Liêm trong diện nghi nhiễm đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2

Sau khi lấy mẫu xét nghiệm ca đột tử không rõ nguyên nhân tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội, kết quả cho thấy trường hợp này âm tính với virus SARS-CoV-2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN