Định hướng phát triển ngành
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hơn 30 năm qua, ngành dịch vụ luôn là ngành kinh tế lớn đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thành phố.
Tại 24 quận - huyện trên địa bàn Thành phố, đều có nhà ở, cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất… nhưng với nhu cầu phát triển ngành dịch vụ và trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thành phố cần những dự án gì để phục vụ cho phát triển ngành dịch vụ là bài toán đặt ra cho lĩnh vực quy hoạch ngành dịch vụ. Điển hình, Thành phố Hồ Chí Minh cần những công trình y tế, trường học, chung cư… gắn liền với đó là hạ tầng giao thông, môi trường…
Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, đầu tư và thúc đẩy ngành dịch vụ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chưa đúng như tiềm năng sẵn có, đòi hỏi học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ thực tế từ các đơn vị trong và ngoài nước.
Trong đó, đón đầu cơ hội phát triển ngành dịch vụ, thành phố cần những giải pháp nhằm xây dựng đề án “Phát triển dịch vụ của Thành phố Hồ Chí Minh và triển khai quy hoạch hạ tầng dịch vụ của Thành phố giai đoạn 2020 - 2030”.
Phát triển dịch vụ và quy hoạch hạ tầng dịch vụ là một trong những lời giải then chốt của các thành phố lớn thành công trên thế giới như Singapore, Seoul, Tokyo cho đến Melbourne, Sydney, New York…
Với quy mô địa lý và kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh rất cần tiếp cận kinh nghiệm từ những thành thành phố có quy mô tương đồng, nhất là những thành phố ở cùng khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước. Trong những năm qua, thành phố đã luôn kiên trì, sáng tạo và phát triển theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế là dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.
Ngành dịch vụ được xem là mũi nhọn phát triển chiến lược của Thành phố với 9 nhóm ngành chính, gồm: tài chính - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại; du lịch; vận tải, cảng và kho bãi; bưu chính, viễn thông, thông tin và truyền thông; kinh doanh tài sản bất động sản; tư vấn; khoa học công nghệ, y tế; giáo dục và đào tạo.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, muốn duy trì và thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ Thành phố như một động lực quan trọng trong giai đoạn mới, phù hợp với chủ trương xây dựng đô thị thông minh, thì việc bảo đảm phát triển hạ tầng phù hợp cho ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và bền vững là yêu cầu cấp thiết. Đồng thời, trong việc hoạch định chiến lược và kế hoạch phát triển ngành dịch vụ của Thành phố cần những giải pháp định hướng cho ngành trong sự đồng bộ với các lĩnh vực khác.
Bản chất của hạ tầng cho phát triển ngành dịch vụ (gọi tắt là hạ tầng dịch vụ) rất phức tạp, gồm: hạ tầng vật thể (hạ tầng cứng) và phi vật thể (hạ tầng mềm). Trong đó, hạ tầng vật thể có thể kể đến hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng mạng; còn hạ tầng phi vật thể là cơ chế về tài chính, hạ tầng dữ liệu, hệ thống pháp lý, qui định pháp luật…
Các “cơ sở hạ tầng” này, phục vụ cho nhu cầu rất đa dạng để vận hành và phát triển các ngành dịch vụ trong thành phố, cả khu vực và cả nước. Do đó, quy hoạch và phát triển hạ tầng cho dịch vụ là một bài toán phức tạp mang tính tổng thể với nhiều khía cạnh và đối tượng.
Chính vì vậy, Thành phố Hồ Chí Minh phải định hướng quy hoạch, phát triển hạ tầng dịch vụ của Thành phố giai đoạn 2020-2030 và kế hoạch triển khai cụ thể 2019-2020. Đề xuất tổng thể sẽ có giải pháp quy hoạch hạ tầng đô thị, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch và chuyển đổi công năng sử dụng nhà ở, quy hoạch và cải tạo cơ sở vật chất hiện có, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt, tận dụng thành tựu của công nghiệp 4.0, sử dụng hiệu quả vào phát triển dịch vụ của thành phố theo hướng dịch vụ thông minh.
Chuyển dịch trong cơ cấu vùng
Theo ông Zhiyu Jerry Chen, Chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới, quy hoạch tích hợp hạ tầng và sử dụng đất sẽ thúc đẩy cơ hội kinh tế cho Thành phố Hồ Chí Minh. Tại thành phố đang có xu hướng chuyển dịch từ các lĩnh vực truyền thống sang ngành dịch vụ, thương mại hiện đại. Điều này, phù hợp với quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam.
Mặt khác, lĩnh vực sản xuất công nghiệp đang dịch chuyển ra khỏi Thành phố Hồ Chí Minh. Tỷ trọng công ăn việc làm theo đó cũng di chuyển ra khỏi địa bàn thành phố. Vấn đề đặt ra là thành phố cần quản lý và quy hoạch quá trình chuyển dịch này như thế nào đối với ngành sản xuất, dịch vụ, thương mại để đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ngành dịch vụ, thương mại đang có giá trị gia tăng cao và đạt tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Thành phố Hồ Chí Minh với vị trí trung tâm của khu vực kinh tế phía Nam nên là đầu mối của logistics, y tế, lưu trú, giáo dục, thương mại, đầu tư… Trong đó, ngành thương mại tạo ra lợi nhuận cao gấp 3 lần thành phố Hà Nội, chủ yếu sản xuất chế biến, thị trường phân phối và tiêu dùng…
Vì vậy, Thành phố Hồ Chí Minh nên chú trọng giải pháp kết nối kinh tế vùng, nhất là những ngành có tác động lớn và tạo ra giá trị gia tăng cho thành phố để ưu tiên phát triển trong tương lai. Trong đó, sự phát triển ngành dịch vụ của Thành phố Hồ Chí Minh cần được đặt trong nền tảng khu vực và xem xét nhu cầu của các khu vực Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long…
Ông Halvard Dalheim, Giám đốc Quy hoạch chiến lược Bộ Quy hoạch, Công nghiệp và Môi trường bang New South Wales, Australia cho hay: Đối với công tác quy hoạch cần một tầm nhìn dài hạn cho các thành phố. Bên cạnh đó, cần điều phối hoạt động của các quận nội thành, song song với phối hợp quy hoạch vùng giáp ranh.
Chính vì vậy, cần cơ chế tích hợp thông qua những ban công tác là tập hợp thành viên của các bên để thực hiện, nhất là những vấn đề liên quan đến giao thông, logistics… Như vậy, để thúc đẩy ngành dịch vụ cần tăng cường những cơ sở hạ tầng cứng tạo động lực thúc đẩy kinh tế thành phố, dựa vào việc xem xét quy hoạch hạ tầng giao thông, logistics…
Thống kê tại Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 1.331.440 tỷ đồng (tăng 8,3% cùng kỳ), trong đó khu vực dịch vụ giữ vững vai trò là động lực tăng trưởng của kinh tế Thành phố vì vừa có mức đóng góp lớn nhất trong GRDP của Thành phố (62,4%) vừa duy trì nhịp độ tăng trưởng cao (8,4%).
Qua quá trình phát triển, cơ cấu kinh tế Thành phố đã tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, nhiều lợi thế cạnh tranh, phù hợp tiềm năng, thế mạnh của Thành phố. Theo đó, 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu đang chiếm tỷ trọng cao nhất (57,1%) trong GRDP thành phố.