Từ ngày 5-11/11, tuần Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22 diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Đây là hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu mốc hợp tác APEC trong 25 năm qua. Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: THX-TTXVN |
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, bà Nguyễn Nguyệt Nga, Vụ trưởng Vụ hợp tác kinh tế đa biên, Bộ Ngoại giao, cho biết APEC được thành lập vào năm 1989 bắt kịp xu thế hợp tác, liên kết và đối thoại trên thế giới. Trong 25 năm qua, thông qua diễn đàn, nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã có những thành tựu đáng kể, cụ thể là giảm thuế 3 lần, thương mại nội khối tăng hơn 3 lần; giao lưu nhân dân và thẻ đi lại của doanh nhân được tạo điều kiện thuận lợi chưa từng có, tạo động lực lớn để APEC và khu vực châu Á – Thái Bình Dương phát triển năng động. Mặt khác, APEC còn là cơ hội để các nước phát triển và nước đang phát triển trong khu vực trao đổi giao lưu nhân dân, chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế...
Về hội nghị APEC năm 2014, Nguyễn Nguyệt Nga cho biết hội nghị diễn ra tại Trung Quốc - nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ khiến Việt Nam nói riêng và các nền kinh tế thành viên APEC nói chung đặt nhiều kỳ vọng về một bước tiến mới, động lực mới đạt được trong hội nghị năm nay. Quyết định của các nhà lãnh đạo APEC sẽ tạo động lực mới để duy trì ổn định phát triển tại khu vực, nhất là trong bối cảnh năm 2014, tình hình thách thức về phát triển, về môi trường hoà bình rõ nét trên toàn thế giới và khu vực.
Theo bà Nguyễn Nguyệt Nga, 25 năm APEC cũng là 25 năm đổi mới có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, vì vậy việc tham gia diễn đàn này càng mang tính chiến lược. Đây là khu vực có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Vụ trưởng nêu rõ lợi ích APEC đem lại cho Việt Nam là rất cụ thể khi thuế thương mại giảm; kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang các thị trường trong khu vực chiếm tới 60%, nguyên vật liệu cho sản xuất trong nước và xuất khẩu nhập khẩu chính từ các nền kinh tế APEC. Ngoài ra, đây là nơi hội tụ kinh nghiệm quản lý, công nghệ, đầu tư. Đây là khu vực đầu tư lớn nhất vào nước ta, chiếm khoảng 65%. Nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) quan trọng đối với Việt Nam cũng chủ yếu đến từ các thành viên APEC. Bên cạnh đó, 75% khách du lịch tới Việt Nam cũng là từ các thị trường châu Á – Thái Bình Dương.
Bà Nguyễn Nguyệt Nga nhận định trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các nền kinh tế thành viên có quan hệ đối tác đan xen và lợi ích mật thiết, bởi vậy hoà bình ổn định khu vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong thời gian tới, với tiềm năng rộng lớn, khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn là khu vực quan trọng nhất đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Trong 16 năm tham gia APEC (từ năm 1998), Việt Nam có những đóng góp quan trọng trên mọi lĩnh vực như kinh tế, thương mại, giao lưu nhân dân, trong đó nổi bật nhất là dấu ấn tại APEC 2006; khi đó hai quyết định được đưa ra là ý tưởng hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) và cải cách APEC để phù hợp với tình hình mới, chuyển mình của thế giới.
Ngoài ra, Việt Nam còn đóng góp cụ thể thiết thực trong hợp tác chống thiên tai giữa các thành viên, một thách thức nổi cộm của khu vực châu Á- Thái Bình Dương với 70% đợt thiên tai trên toàn cầu xảy ra tại đây. Mới đây tại Hội nghị Bộ trưởng thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực lần thứ 6 của APEC, Việt Nam đã đưa ra nhiều đề xuất cho lộ trình phát triển nguồn lực APEC 2015-2018. Đặc biệt, trong thời gian tới Việt Nam sẽ tích cực cùng với các nền kinh tế thành viên APEC triển khai nhiều hoạt động chuẩn bị cho việc đăng cai APEC vào năm 2017.
TTXVN/Tin tức