Qua phiên thảo luận trên hội trường, dưới góc độ cử tri, Luật sư Phạm Hồng Điệp nhận thấy trong tình hình biến động thị trường thế giới phức tạp do các quan hệ địa chính trị và hậu COVID-19, kinh tế Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng ngoạn mục. Đó là sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ nút thắt về luật pháp, thể chế còn vướng mắc trong điều hành kinh tế vĩ mô để giữ được ổn định và phát triển.
Mặc dù vậy, các đại biểu Quốc hội tại nhiều tỉnh, thành phố nêu ra một số vướng mắc trình Quốc hội để có được những chính sách tốt hơn nữa cho phát triển kinh tế trong năm 2023.
Những mũi nhọn để phát triển kinh tế như tập trung đầu tư cho môi trường kinh doanh du lịch ổn định và phát triển tăng trưởng xuất khẩu, thể hiện tầm nhìn đúng của Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô. Du lịch sau COVID-19 sẽ bùng nổ bởi xã hội bị giãn cách thời gian dài, Chính phủ kịp thời mở cửa du lịch và định hướng các giải pháp quản trị an toàn dịch bệnh. Nhờ đó, chúng ta đã đón nhận hơn 90 triệu lượt khách trong thời gian ngắn, phát huy được sức mạnh nội lực.
Chính phủ và chính quyền các địa phương trong cả nước đã thúc đẩy phát triển sản xuất để tăng xuất khẩu thông qua việc sử dụng nguyên liệu địa phương đồng bộ với cải tạo phát triển công nghệ nhằm tăng năng xuất lao động. Đây là định hướng đúng để thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2022 và cần động viên doanh nghiệp trong nước phát huy, tạo động lực cho đất nước phát triển trong năm 2023.
Thông qua định hướng và các kiến nghị của đại biểu Quốc hội để phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, ông Phạm Hồng Điệp nhận thấy, Quốc hội, Chính phủ, cấp bộ đã nghiên cứu sâu, đưa ra định hướng chiến lược nhằm tháo gỡ khó khăn về những điểm nghẽn chính sách như: việc thuộc Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến ngay bằng Nghị quyết, việc thuộc Chính phủ, Chính phủ cho ý kiến ngay bằng Nghị định và cấp bộ, cấp tỉnh, thành phố trong quyền hạn có hướng dẫn hoặc quyết định luôn. Đây là việc làm rất quyết liệt nhưng trên thực tế phải quyết liệt hơn nữa bởi chính sách bao giờ cũng có độ trễ, doanh nghiệp và người dân cần thời gian. Do vậy, cải cách thủ tục hành chính trong việc ra chính sách là quyết sách cần Quốc hội, Chính phủ hành động quyết liệt để thể chế hóa chính sách đi vào cuộc sống.
Theo ông Phạm Hồng Điệp, năm 2023, tình hình thế giới còn nhiều phức tạp, vì vậy, điều hành nhanh nhậy, đúng là vấn đề khó nhưng phải làm mới mong đất nước phát triển ổn định và bền vững.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Trưởng Chi nhánh 7 Câu lạc bộ Ảnh báo chí - Nhà Văn hóa Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, trong 9 tháng năm 2022, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp chúng ta đã phấn đấu hoàn thành và hoàn thành cao một số chỉ tiêu, nhiệm vụ trên một số lĩnh vực kinh tế - xã hội, tạo cơ sở nền tảng vững chắc để kiên cường chống dịch bệnh, thiên tai.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa tin tưởng với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả dân tộc chúng ta sẽ vượt qua khó khăn thách thức để vững tin xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn to đẹp hơn. Các doanh nghiệp, doanh nhân thể hiện bản lĩnh trí tuệ, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, chăm lo việc làm và đời sống cho người lao động.
Quan tâm đến lĩnh vực xây dựng và thực hiện quy hoạch, ông Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, công tác quy hoạch đô thị phải đảm bảo sự thống nhất giữa các địa phương, tránh tình trạng cát cứ, thiếu đồng bộ, nhất là quy hoạch xây dựng đường giao thông và các công trình phúc lợi công cộng khác...
Quốc hội, Chính phủ xem xét từng bước điều chỉnh lại quy hoạch các địa phương phù hợp thực tiễn hiện nay; nghiên cứu quy hoạch tập trung các làng nghề truyền thống để quy tụ sản phẩm của làng nghề và nghệ nhân, thợ giỏi, kết hợp với phát triển du lịch. Cùng với đó là rà soát, kiểm tra lại toàn bộ dự án, công trình và các chỉ đạo của Trung ương, địa phương trong nhiều năm qua, đến nay chưa hoàn thành hoặc kém hiệu quả, nhất là dự án treo, ông Nguyễn Đức Nghĩa đề nghị.