Phục hồi ấn tượng
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau khi mở lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3 đến nay, ngành Du lịch đã tập trung vào thị trường nội địa và đạt được những kết quả phục hồi ấn tượng. Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành đã phục vụ gần 72 triệu lượt du khách trong nước (kế hoạch cả năm 2022 là 60 triệu lượt), 733 nghìn lượt du khách quốc tế. Tổng thu đạt khoảng 316 nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó, số doanh nghiệp lữ hành trở lại hoạt động và cấp phép mới đã tăng trở lại với 2.563 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 1.060 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Sau đại dịch, 90% cơ sở lưu trú hoạt động trở lại, đạt trên 55% công suất phòng với các ngày trong tuần, dịp cuối tuần đạt trên 95%, nhất là những điểm đến có sức hấp dẫn lớn. Hoạt động vận tải, hàng không đáp ứng khá tốt nhu cầu du khách nước ngoài.
Việc làm mới, xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch được đẩy mạnh. Hoạt động liên kết phát huy hiệu quả, nhất là kết nối giữa các trung tâm du lịch (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…) với các điểm đến lân cận.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, ngành Du lịch đứng trước áp lực giá cả dịch vụ tăng cao, chất lượng phục vụ chưa tương ứng; cùng với đó là tình trạng thiếu hụt nhân lực chuyên nghiệp ở các cơ sở lưu trú, dịch vụ. Lợi thế cạnh tranh trong việc cấp thị thực, thời gian lưu trú của Việt Nam chưa thuận lợi so với nhiều quốc gia khác. Việc thành lập văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài để chủ động nghiên cứu, định hướng thị trường, hỗ trợ kết nối, quảng bá du lịch quốc tế đang ở mức hạn chế.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, để du lịch phục hồi bền vững sau dịch COVID-19, bên cạnh đẩy mạnh du lịch nội địa cần có các biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng khách quốc tế nhằm tiếp tục giữ và nâng chất lượng dịch vụ du lịch, đủ khả năng cạnh tranh với các nước khác. “Cùng với việc tập trung vào du lịch nội địa, cần quan tâm ngay đến đào tạo nhân lực du lịch phục vụ khách quốc tế”, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.
Các ý kiến cho rằng, để khắc phục được tình hình thiếu nhân lực cho các cơ sở dịch vụ, lưu trú du lịch, thời gian tới, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch (nhất là tại các cơ sở lưu trú 2 sao, 3 sao...), về kỹ năng mềm, thái độ phục vụ, ngôn ngữ giao tiếp...; qua đó góp phần phục hồi và phát triển du lịch bền vững.
Tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực điện tử
Về kết quả thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết 103/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, rất cần tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến quy định xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú để thuận lợi hơn cho du khách quốc tế; lập cơ quan đại diện du lịch ở một số thị trường có tiềm năng lớn; cơ chế liên kết vùng về du lịch; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã nêu trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030…
Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận về cơ chế hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; triển khai xúc tiến du lịch quốc gia ở nước ngoài; tăng cường các hoạt động du lịch mang tính chất liên kết vùng; mở rộng hình thức cấp thị thực xuất nhập cảnh điện tử; cơ chế tính giá điện đối với dịch vụ du lịch… Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề xuất thành lập văn phòng xúc tiến du lịch của các hiệp hội, nòng cốt là các doanh nghiệp du lịch lớn, tại một số thị trường trọng điểm, có sự hỗ trợ của Đại sứ quán, thương vụ ở nước sở tại, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, chính sách miễn thị thực đơn phương, cấp thị thực điện tử đã được triển khai nhưng tính chất cạnh tranh thấp. Trong khi đó, điểm cốt yếu trong thu hút khác du lịch quốc tế là tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực điện tử cho du khách như rút ngắn thời gian, gia hạn thời gian lưu trú. Về vấn đề cấp thị thực nhập cảnh, đại diện Bộ Công an cho biết, hiện Bộ đã cấp thị thực điện tử cho công dân khoảng 80 quốc gia, vùng lãnh thổ, miễn thị thực cho 25 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Đối với cơ cấu tính giá điện cho dịch vụ, cơ sở lưu trú du lịch, sau khi nghe đại diện Bộ Công Thương báo cáo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thành, trình Thủ tướng trước khi quyết định về điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất. Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch phải chủ động nghiên cứu, đề xuất rất cụ thể về chính sách ưu đãi về thuế, phí, tiền thuê đất…
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, đánh giá lại thực trạng hoạt động của các hộ kinh doanh du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; chủ động phối hợp, hỗ trợ các nhóm doanh nghiệp du lịch nòng cốt để hình thành các tuyến du lịch trọng điểm liên kết giữa các địa phương; khởi động lại hoạt động số hóa di sản với sự tham gia của doanh nghiệp du lịch để phục vụ các sản phẩm du lịch mới.