Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án đầu tư công và 3 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư. Dự án đi qua 13 tỉnh (gồm Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long), với tổng chiều dài 652 km.
Bình Thuận là tỉnh có đường cao tốc tuyến Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn dài nhất với 160,3 km; gồm 3 dự án thành phần: đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây. Đến nay trong giải phóng mặt bằng đã hoàn thành 100% công tác bồi thường; hỗ trợ và tái định cư cho 2.4/2.4 hộ gia đình và tổ chức; hoàn thành xây dựng 5/5 khu tái định cư; hoàn thành di dời công trình hạ tầng kỹ thuật (giai đoạn 1) ảnh hưởng đến mặt bằng thi công của dự án gồm: hệ thống cấp nước sinh hoạt, hệ thống viễn thông, điện trung hạ thế, điện cao thế 110 kV...
Tổng nhu cầu vật liệu đất đắp của các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh Bình Thuận là 12,621 triệu m3. Trong đó: Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo là 0,921 triệu m3, Ban Quản lý dự án 85 và Doanh nghiệp dự án đang dự kiến tận dụng đất lẫn đá và đá nghiền để đắp thay đất, không thiếu vật liệu phục vụ công trình; đoạn Phan Thiết - Dầu Giây là 2,5 triệu m3 không thiếu vật liệu đất đắp; đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết là 9, đến nay đã giải quyết cơ bản đủ vật liệu để phục vụ đất đắp cho dự án.
Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, qua quá trình triển khai thi công đường cao tốc, hiện nay vẫn còn một số tồn tại. Cụ thể: Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết còn 17 vị trí giao cắt với dự án (5 vị trí điện 220kV, 12 vị trí điện 500kV) cần cải tạo. Đoạn Phan Thiết - Dầu Giây hiện còn 2 vị trí cột điện 500kV, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các huyện đốn đốc đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ thi công di dời.
Tại buổi lảm việc, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các Ban Quản lý dự án yêu cầu các nhà thầu tuân thủ nghiêm quy định về tải trọng đối với xe vận chuyển vật liệu trên các tuyến đường địa phương; sửa chữa đảm bảo giao thông trên các tuyến đường giao thông phục vụ vận chuyển cho cao tốc; tích cực phối hợp giải quyết các phát sinh trong quá trình thực hiện Dự án như: đường gom, hầm chui dân sinh, mương thủy lợi cắt qua đường cao tốc… UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quan tâm chỉ đạo các đơn vị truyền tải điện tích cực phối hợp giải quyết bố trí lịch cắt điện sớm để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi công cải tại đường điện cao thế.
Đại diện các tỉnh, Ban quản lý, nhà thầu thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đề nghị Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị xem xét và có phương án xử lý về biến động giá bất thường đối với vật liệu thi công; kiến nghị các cấp thẩm quyền xem xét điều chỉnh thời gian hoàn thành của dự án do các yếu tố khách quan, bất khả kháng (dịch COVID- 19, biến động thị trường do xung đột Nga - Ukraine, nguồn vật liệu thi công…) đã và đang tiếp tục ảnh hưởng đến tiến độ của dự án…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao công tác phối hợp giải phóng mặt bằng tại các tỉnh có dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang triển khai thi công. Đối với một số đoạn chưa bàn giao mặt bằng, các địa phương phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án để bàn giao đơn vị thi công đảm bảo tiến độ dự án.
Về nguồn vật liệu đất đắp nền đường, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội yêu cầu tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận phối hợp các các đơn vị khẩn trương cấp phép mỏ khai thác để đáp ứng nhu cầu vật liệu thi công còn thiếu, đảm bảo tiến độ dự án. Các đơn vị phải có báo cáo cụ thể về giá vật liệu tăng cao, so sánh biến động giá trong từng thời kỳ, để từ đó Đoàn công tác có cơ sở tổng hợp báo cáo.
Đối với các kiến nghị của các địa phương, đơn vị, Đoàn công tác ghi nhận, tổng hợp ý kiến và sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp tới để xem xét, giải quyết.