Thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Tiếp tục Chương trình làm việc, sáng 5/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Nội dung phiên làm việc quan trọng này được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN


* Dự thảo phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân

Mở đầu phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại Tổ và giải trình về những vấn đề có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận tại Tổ.

Báo cáo nêu rõ: Về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (Điều 4) tuyệt đại đa số ý kiến đều tán thành quy định về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Điều 4 của Dự thảo. Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “duy nhất” vào sau cụm từ “lực lượng lãnh đạo” tại khoản 1; quy định rõ cơ chế để thực hiện “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân”, “chịu trách nhiệm trước nhân dân” và bổ sung quy định về mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ vào Điều 4.

Vấn đề này Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho biết, Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 đã quy định “Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng tiếp tục ghi nhận: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Trong toàn bộ Hiến pháp năm 1992 cũng như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này chỉ có duy nhất Điều 4 quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Do đó, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam thì không còn lực lượng nào khác được giao trọng trách này. Điều đó cũng hoàn toàn phù hợp với thực tiễn một đảng lãnh đạo ở Việt Nam. Vì vậy, Ban soạn thảo không bổ sung từ “duy nhất” vào Điều này.

Qua thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; đánh giá Dự thảo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có chất lượng, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

* Tán thành có quy định riêng về Công đoàn

Thảo luận về nội dung Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (Điều 9), có ý kiến đề nghị bổ sung vai trò của các tổ chức xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội khác vào Điều này. Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cùng với quy định về công đoàn tại Điều 10 thì cần thiết có quy định về các tổ chức khác như Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên hay Hội phụ nữ…

Đánh giá các tổ chức này được thành lập trên cơ sở tự nguyện, có chức năng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của thành phần xã hội mà họ làm đại diện, đại biểu cho rằng các vị trí, vai trò của các tổ chức này cũng cần được hiến định, không nêu chung chung như Dự thảo.

Cũng cùng quan điểm này, đại biểu Đặng Công Lý (Bình Định) cho rằng cùng với Công đoàn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn có nhiều tổ chức thành viên khác. Đây là một bộ phận của hệ thống chính trị, đại diện cho các tầng lớp nhân dân, vì vậy đề nghị Dự thảo Hiến pháp cần ghi nhận vai trò, vị trí của các tổ chức này để phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc…

Qua thảo luận nhiều ý kiến tán thành với việc giữ Điều 10 quy định về Công đoàn như trong Dự thảo. Các ý kiến tán thành với việc quy định Công đoàn tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. Việc dự thảo quy định nội dung này là sự kế thừa các Hiến pháp trước đây.

Luật Công đoàn năm 2012 cũng quy định Công đoàn “tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp”. Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung tại Đại hội lần thứ XI vừa qua) đã cụ thể hóa việc tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong nhiệm vụ của tổ chức công đoàn các cấp….

* Đề nghị giữ một số điều của Chương V như Hiến pháp 1992

Liên quan đến quy định về Chương V: Quốc hội, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng cơ quan dân cử là nơi phát huy tính đại diện, chủ động, là nơi tiếng nói được thể hiện, được lắng nghe để đi đến sự thống nhất cao trong mỗi chính sách mà Quốc hội ban hành.

Đại biểu cho rằng việc giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền lãnh đạo công tác của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã hành chính hóa bộ máy của Quốc hội, hạn chế tính đại diện, chủ động, độc lập của các cơ quan Quốc hội. Trên cơ sở đó, đại biểu Phùng Văn Hùng đề nghị không nên quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội lãnh đạo công tác của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Quốc hội mà giữ nguyên như Hiến pháp hiện hành đó là Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, điều hành, phối hợp hoạt động Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Quốc hội.

Về bầu, phê chuẩn thành viên Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Quốc hội tại Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 76 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban do Quốc hội bầu; các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng dân tộc, các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên Ủy ban do Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

Đại biểu Phùng Văn Hùng, Trần Đình Thu (Gia Lai) cho rằng quy định này là không bình đẳng giữa các đại biểu Quốc hội và đề nghị nội dung này cần giữ như Điều 94, 95 của Hiến pháp hiện hành đó là Quốc hội bầu Hội đồng Dân tộc gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các uỷ viên; Quốc hội bầu các Uỷ ban của Quốc hội.

Cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đề nghị giao Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên của các cơ quan Quốc hội.

Đại biểu Trần Đình Thu cho rằng cần cân nhắc kỹ quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội lãnh đạo công tác của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Quốc hội. Theo đại biểu cần giữ nguyên Khoản 7 Điều 91 của Hiến pháp hiện hành quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cần được đảm bảo vị thế độc lập trong việc thực hiện thẩm tra các dự án Luật.

* Quy định rõ đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt

Thảo luận về Chương IX: Chính quyền địa phương, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đề nghị cần quy định rõ đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt này được thành lập ở cấp nào? Đại biểu nêu quan điểm: đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt thì phải là số ít, thậm chí là số 1, là duy nhất. Tình trạng nhiều đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt sẽ làm hệ thống pháp luật thiếu thống nhất. Đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc kỹ và quy định cụ thể trong Hiến pháp nội dung này.

Thảo luận về Điều 114 quy định Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu hoặc do Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn. Đại biểu Phạm Xuân Thường cho rằng chúng ta đã thí điểm bỏ Hội đồng nhân dân nhưng đến nay chưa đủ thời gian để quyết định có nên bỏ hay không và đang tiếp tục thí điểm.

Theo đại biểu, trước mắt nên giữ nguyên tổ chức Hội đồng nhân dân như Hiến pháp hiện hành. Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cho rằng trong khi đang thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân thì quy định như dự thảo là hợp lý, có tính khái quát cao và tạo cơ sở lý luận cho việc đổi mới chính quyền địa phương…

Đại biểu Trần Đình Thu (Gia Lai) đề nghị quy định rõ trong Hiến pháp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân nhằm khẳng định cụ thể nội hàm của chính quyền địa phương. Đại biểu đồng tình với quy định Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được thành lập ở các các cấp đơn vị hành chính như Hiến pháp hiện hành, song cần có cơ chế không có Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và hải đảo nhằm đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện Hiến pháp.

Tại phiên thảo luận sáng nay, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến cụ thể về các nội dung quan trọng khác: quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; về bảo vệ Tổ quốc; Quốc hội; Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước…

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về nội dung này.


Quỳnh Hoa - Khiếu Tư
Quốc hội nghe báo cáo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Quốc hội nghe báo cáo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Trong phiên họp sáng 22/10 của Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã nghe toàn văn các báo cáo về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 và tình hình triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN