Thảo luận Luật ngân sách nhà nước

Qua thảo luận, đa số ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với báo cáo về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) của Ủy ban Tài chính-Ngân sách.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Về những nội dung cụ thể như: Tên gọi của Luật, theo báo cáo của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, đa số ý kiến nhất trí giữ nguyên tên gọi là Luật ngân sách nhà nước để bảo đảm sự ngắn gọn, cô đọng, kế thừa tên gọi từ trước đến nay và phù hợp với quy định về ngân sách nhà nước trong Hiến pháp năm 2013. Mặt khác, các nội dung của Luật đã bao hàm ý nghĩa quản lý thống nhất về ngân sách nhà nước trong phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, tên gọi là Luật tài chính công thì không hợp lý, vì “tài chính công” là khái niệm rộng hơn, bao gồm ngân sách nhà nước, hoạt động tài chính của Ngân hàng Nhà nước, các quỹ của Nhà nước ngoài ngân sách, nợ công… Những vấn đề này được điều chỉnh bằng các luật khác.

Liên quan đến Luật ngân sách thường niên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Nghị quyết về ngân sách nhà nước mang tính kịp thời, thủ tục đơn giản hơn so với ban hành luật, đáp ứng yêu cầu quản lý và điều hành nền kinh tế đất nước. Việc ban hành Nghị quyết về Dự toán ngân sách nhà nước và Nghị quyết về Phân bổ ngân sách trung ương hàng năm thay vì Luật ngân sách thường niên không làm thay đổi nội dung các vấn đề mà Quốc hội quyết định. Vì vậy, đề nghị được giữ nguyên như hiện nay.

Đối với vấn đề thưởng vượt thu, một số ý kiến đề nghị bỏ quy định về thưởng vượt thu đối với các khoản thu phân chia. Vấn đề này, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội và Cơ quan soạn thảo cho rằng cần bỏ quy định về thưởng vượt thu, như vậy sẽ tránh được tình trạng dự báo thu thấp để được thưởng vượt thu, không công bằng giữa các địa phương. Đồng thời tránh xảy ra trường hợp ngân sách trung ương hụt thu nhưng vẫn phải bố trí thưởng vượt thu cho các địa phương. Việc thu đúng, thu đủ theo quy định của pháp luật là trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền.

Về quy trình ngân sách, một số ý kiến đề nghị Quốc hội quyết định ngân sách qua 2 kỳ họp. Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, việc quyết định ngân sách theo quy trình qua 2 kỳ họp sẽ giúp việc xây dựng dự toán được khoa học, chất lượng hơn, phát huy vị trí, vai trò, thẩm quyền của Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; nâng cao trách nhiệm của Chính phủ, Ủy ban nhân dân… Vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần tập trung thảo luận vài lần trong 1 kỳ họp, chứ không nhất định kéo dài đến 2 kỳ họp.

Đối với việc phân cấp quản lý ngân sách nhà nước giữa trung ương và địa phương, các ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ về phân cấp nguồn thu ngân sách nhà nước giữa trung ương và địa phương.

Tại phiên họp chiều nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận về phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012 – 2015. Theo Tờ trình của Chính phủ, sẽ dành 7.500 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012 – 2015 phân bổ cho một số dự án, công trình.

Qua thảo luận, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí về phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012 – 2015 và cho rằng cần ưu tiên, bố trí khoảng 2.000 tỷ đồng cho Chương trình kiên cố hóa trường lớp học; 800 tỷ đồng đối với Dự án Đường Trường Sơn Đông; giảm bớt một phần vốn phân bổ của Chương trình kiên cố hóa nhà công vụ cho giáo viên sang các dự án thủy lợi…



Nguyễn Cường (TTXVN)

Sáng 25/2, khai mạc phiên họp thứ 35 Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII
Sáng 25/2, khai mạc phiên họp thứ 35 Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII

Dự kiến sáng 25/2, tại Hà Nội, sẽ khai mạc phiên họp thứ 35 Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN