Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 22/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường biểu quyết thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hàng hải Việt Nam.
Quốc hội thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật Với 88,87% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật gồm 17 Chương, 175 Điều, quy định rõ nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Trong đó, về văn bản quy phạm pháp luật, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ là: Văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này. Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định của Luật này thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Luật quy định gồm: Hiến pháp; Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi chung là cấp huyện); Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã); Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Luật này cũng quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm là: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp, trái văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Điều 4 của Luật này nhưng chứa quy phạm pháp luật. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định tại Luật này. Quy định thủ tục hành chính trong Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện; Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã, Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp được giao trong luật.
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.
Thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam Thời gian còn lại của buổi sáng 22/6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam. Qua thảo luận, hầu hết các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hàng hải Việt Nam cũng như quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc sửa đổi và nhiều nội dung của dự án luật. Theo các đại biểu, dự án Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, Ban soạn thảo đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức tổng kết thực tiễn, rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về hàng hải; nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm nước ngoài; so sánh đối chiếu với các điều ước quốc tế liên quan. Tuy nhiên, hoạt động giao thông vận tải hàng hải của nước ta vẫn còn yếu so với yêu cầu thực tế và tiềm năng, thế mạnh của một quốc gia ven biển. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung những chính sách pháp luật về hàng hải nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc thúc đẩy phát triển căn bản ngành hàng hải nước ta.
Góp ý cụ thể về phạm vi điều chỉnh, nhiều ý kiến đại biểu cơ bản tán thành phạm vi điều chỉnh của dự thảo Bộ luật. Tuy nhiên, đề nghị dự án luật cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn việc điều chỉnh đối với các phương tiện, thiết bị, công trình biển. Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cho rằng, Bộ luật hàng hải Việt Nam là một luật chuyên ngành điều chỉnh nhiều nội dung gồm: hoạt động hàng hải; quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng hải; các công trình hàng hải; các loại phương tiện vận tải; các loại phương tiện khác, hoạt động và di chuyển trong phạm vi hoạt động giao thông đường biển. Dự án luật rất rộng xong phạm vi điều chỉnh theo hướng liệt kê như Điều 1 là chưa phù hợp. Đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần sửa đổi Điều 1 theo hướng: "Một là, Bộ luật này quy định về hoạt động hàng hải và quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng hải; các công trình hàng hải; các loại tàu biển, phương tiện hoạt động, di chuyển trong phạm vi quản lý hoạt động hàng hải an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng hải, lao động hàng hải; các hoạt động khác liên quan đến việc sử dụng tàu biển trong lĩnh vực hàng hải vào mục đích kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao, công vụ và nghiên cứu khoa học. Hai là, trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Bộ luật hàng hải Việt Nam với quy định của luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hoạt động hàng hải thì áp dụng quy định của bộ luật này”.
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Chu Sơn Hà phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Cần quy định Cục hàng hải Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải
Thảo luận về cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải, một số đại biểu đề nghị làm rõ địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ của Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng hải với Bộ Giao thông vận tải, với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; làm rõ Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải là Cục hàng hải hay là Tổng cục. Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cho rằng: Khoản 3, Điều 10, dự thảo luật quy định: “Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thực hiện quản lý nhà nước về hàng hải trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật" là chưa đầy đủ. Theo đại biểu, Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải ở đây là cơ quan nào? Hiện nay, Cục hành hải Việt Nam là cơ quan chuyên ngành trực thuộc Bộ Giao thông vận tải; là đơn vị thực hiện quản lý nhà nước về chuyên ngành hàng hải. Do vậy, đề nghị, Ban soạn thảo bổ sung Cục hàng hải Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải vào khoản 3, Điều 10 cho đầy đủ. Đồng thời sửa đổi khoản 3, Điều 10 như sau: "Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải, là Cục hàng hải Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thực hiện quản lý nhà nước về hàng hải trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng: Để tạo điều kiện cho ngành hàng hải Việt Nam phát triển cần phải củng cố địa vị pháp lý và sắp xếp lại tổ chức hợp lý nhằm nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải. Do đó, đại biểu đề nghị nâng cấp cơ quan giúp Bộ Giao thông vận tải thực thi quản lý chuyên ngành hàng hải hiện nay là Cục hàng hải Việt Nam lên thành Tổng cục hàng hải Việt Nam. Mặt khác, cần xác định rõ địa vị pháp lý, những nội dung phân cấp cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải và quy định cụ thể mối quan hệ giữa Tổng cục hàng hải với Cảng vụ hàng hải và các lực lượng, tổ chức có liên quan để thực hiện minh bạch trách nhiệm, quyền hạn của mỗi tổ chức, cá nhân, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải. Đồng thời, đại biểu đề nghị sửa lại khoản 3, Điều 10 như sau: Tổng cục hàng hải Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thống vận tải thực hiện quản lý nhà nước về thực thi pháp luật chuyên ngành hàng hải trên phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật.
Xác định rõ các tiêu chí cảng biển
Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu thảo luận là tiêu chí xác định cảng biển. Qua thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị quy định rõ về tiêu chí, chức năng cảng biển; phân định rõ tiêu chí về cảng biển với cảng thủy nội địa. Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) đề nghị, Ban soạn thảo cần xác định rõ thế nào là cảng biển và cảng nội địa. Theo đại biểu, thực tế hiện nay phần lớn các cảng biển của nước ta nằm sâu trong vùng nước đất liền, điều này không đúng với vị trí là cảng biển. Cảng biển phải nằm ở phần biển chứ không như quy định trong dự thảo luật là vùng nước nối liền với biển. Như vậy, không khuyến khích đưa cảng ra biển, mà sẽ tập trung làm cảng ở trong vùng nước đất liền. Điều này sẽ đỡ tốn về kinh phí, nhưng hoạt động kinh tế thì kém hiệu quả và không bảo đảm an ninh đối với các tàu nước ngoài.
Cho rằng quy định như trong dự án luật là chưa đảm bảo tính phân biệt giữa cảng biển và bến thủy nội địa, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) đề nghị: Dự án luật cần quy định chi tiết, chính xác cảng biển; đồng thời quy định rõ đối với khu vực vừa có thể xây dựng được cảng biển, vừa có thể xây dựng cảng thủy nội địa, thì cần ưu tiên xây dựng cảng biển nhằm phát huy lợi thế của cảng biển.
Cũng thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam, các đại biểu đã góp ý vào các nội dung khác như: Quyền vận tải nội địa; thanh tra hàng hải; đăng ký tàu biển; đăng kiểm tàu công vụ, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi và giàn di động...