Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 27/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với mục tiêu sửa đổi Bộ luật hình sự là công cụ pháp lý sắc bén để đấu tranh hữu hiệu với mọi loại tội phạm, tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được Hiến định; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN”.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Phạm vi sửa đổi của dự án bộ luật là sửa đổi cơ bản, toàn diện các quy định về tố tụng hình sự, dự thảo bộ luật có tổng số 486 điều, tăng 140 điều so với bộ luật hiện hành, trong đó sửa đổi 294 điều, bổ sung mới 172 điều, bãi bỏ 26 điều, chỉ giữ nguyên 20 điều.
Với phạm vi sửa đổi rộng, cơ bản và hầu hết các điều luật, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng nêu sửa tên gọi của dự án là Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, là sự đánh dấu việc cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 chứ không như tên gọi đã trình là Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi).
Nội dung về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội thu hút sự quan tâm, cho ý kiến của nhiều đại biểu tại phiên thảo luận chiều 27/5.
Đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) thể hiện quan điểm tán thành với ý kiến thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp. Theo đó tán thành với việc dự thảo quy định “người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến”, nhưng không tán thành với việc quy định những người này không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” vì tạo ra nhận thức khác nhau và chưa nêu bật được mục đích, yêu cầu chống bức cung, dùng nhục hình.
Để tạo điều kiện cho người bị buộc tội tự bào chữa, bảo vệ chính mình; tăng cường tính minh bạch, dễ hiểu, tạo nhận thức thống nhất trong hoạt động lấy lời khai, góp phần chống bức cung, nhục hình, đề nghị quy định theo hướng: người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không bị ép buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, không bị ép buộc phải nhận mình có tội.
Đại biểu Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) lại cho rằng không cần thiết có quy định này. Các đối tượng tình nghi có quyền nhận tội hoặc không nhận tội nhưng khi bị thẩm vấn, hỏi cung phải trả lời câu hỏi, không được im lặng, thể hiện rõ trách nhiệm của bị can, bị cáo…
Về nội dung quyền của bị can, bị cáo đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án, qua thảo luận, nhiều ý kiến không tán thành và cho rằng dự thảo quy định: trong trường hợp bị can, bị cáo không mời người bào chữa thì họ có quyền đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra hoặc sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, là không khả thi, không phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta hiện nay.
Trong suốt quá trình khởi tố, điều tra bị can đã được nhận tất cả các quyết định tố tụng liên quan đến việc buộc tội bị can, kể cả bản kết luận điều tra, bản cáo trạng tổng hợp đầy đủ các chứng cứ vụ án. Vì vậy để bảo đảm tính khả thi, tránh tạo thêm thủ tục phức tạp, lãng phí không cần thiết cần quy định theo hướng: trong trường hợp bị can, bị cáo không có người bào chữa thì sau khi kết thúc điều tra hoặc sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, nếu bị can, bị cáo có yêu cầu thì họ có quyền đọc, ghi chép một số bản sao tài liệu trực tiếp liên quan đến việc buộc tội họ trong hồ sơ vụ án (như biên bản lời khai người làm chứng, lời khai của bị can khác trong vụ án, kết luận giám định…).
Đại biểu Nguyễn Đức Chung có quan điểm không quy định bị can, bị cáo có quyền đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án vì không khả thi, tạo ra nhiều khó khăn, phức tạp trong thực tiễn thi hành.
Về bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, một số ý kiến không tán thành với việc dự thảo quy định “Bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can”. Thực tiễn cho thấy trong trường phạm tội quả tang, các vụ án chứng cứ đơn giản, rõ ràng và bị can đã nhận tội thì quy định hiện hành về hoạt động hỏi cung không có vướng mắc gì.
Hơn nữa một số ý kiến cho rằng việc ghi âm, ghi hình chỉ là một trong rất nhiều các biện pháp để chống việc bức cung, nhục hình. Để tăng cường hiệu quả chống bức cung, dùng nhục hình, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tránh phát sinh thêm thủ tục rườm rà không cần thiết, đề nghị quy định theo hướng: trong trường hợp phạm tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt chung thân, tử hình hoặc trong trường hợp cần thiết khác thì cùng với việc lập biên bản phải ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) có quan điểm khác, cho rằng nếu làm được biện pháp này thì sẽ góp phần quan trọng trong giải quyết vấn đề oan sai hiện nay. Tuy nhiên đại biểu cũng băn khoăn khi nguồn kinh phí dành cho hoạt động này rất lớn và đề nghị cần có lộ trình cụ thể để triển khai.
Các nội dung về thời hạn tạm giam; chủ thể thu thập chứng cứ; việc mở rộng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; giới hạn xét xử… đã được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại phiên thảo luận chiều 27/5. Theo Chương trình, sáng 28/5, Quốc hội sẽ làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình dự án Luật trưng cầu ý dân và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.