Nguy cơ báo chí không còn giữ được bản chất văn hóa lành mạnh, tiến bộ
Văn hóa không chỉ nằm trong trang phục, lời ăn tiếng nói, những bài vè câu hát… mà văn hóa là cả sự quan tâm, cách đối xử giữa người với người, giữa người với sự vật, sự việc. Trong báo chí, văn hóa cần được đề cao hơn cả.
Nói đến văn hóa báo chí, có ý kiến cho rằng, có thể hiểu đôi khi đơn giản là thái độ giữa phóng viên với nhân dân, với nhân vật được phỏng vấn. Chẳng hạn, đối tượng được phỏng vấn là trẻ em thì phóng viên, nhà báo không thể chỉ đứng để cầm mic và thu nhận câu trả lời. Mỗi nhà báo cần phải biết quan sát, lắng nghe nhân vật của mình, “bỏ qua” hình ảnh của bản thân để làm nổi bật nhân vật. Nhìn rộng hơn, trong việc làm báo, văn hóa, đạo đức và luật pháp phải luôn đi cùng nhau, trở thành tấm gương soi chiếu cho mỗi nhà báo.
Theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, giá trị cốt lõi mà người làm báo, một tòa soạn luôn hướng đến chính là nền tảng văn hoá. Nền báo chí cách mạng Việt Nam tồn tại, phát triển mạnh mẽ trong gần 100 năm qua chính là nhờ chú trọng phát triển văn hoá báo chí. Vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Kế hoạch phát động và triển khai phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí với trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa, khắc phục tình trạng phi văn hóa trong hoạt động tác nghiệp và trong các tác phẩm báo chí. Như vậy, xây dựng, phát triển văn hoá trong cơ quan báo chí, với người làm báo đóng vai trò rất quan trọng trong nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, báo chí là sản phẩm có tính văn hóa do con người tạo ra, đáp ứng nhu cầu thông tin, tuyên truyền, giáo dục... Bản thân tác phẩm báo chí chứa đựng tri thức văn hóa, thông điệp có sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ tới công chúng. Đặc biệt, nền báo chí cách mạng Việt Nam dưới dự lãnh đạo của Đảng, luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị, tinh thông nghề nghiệp và có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, nhân văn, nỗ lực phấn đấu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Những phẩm chất cao quý, kết tinh thành giá trị văn hóa luôn được giữ gìn, trao truyền, trở thành niềm tự hào của những người làm báo cách mạng.
Tuy nhiên nhà báo Hồ Quang Lợi thẳng thắn nhìn nhận, cùng với sự vươn lên phát triển mạnh mẽ, báo chí cách mạng Việt Nam đang đối diện với những thách thức không nhỏ. Một bộ phận báo chí có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích, thờ ơ với nhóm công chúng đối tượng của mình; tìm đến những thị hiếu tầm thường, nhằm tăng số lượng truy cập, thỏa hiệp tính trung thực, khách quan để đạt được mục đích kinh tế. Trong bối cảnh đó, việc nâng cao nhận thức về văn hoá, tạo lập không gian văn hoá là yêu cầu cấp thiết.
Theo đó, nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định việc người làm báo “bẻ cong” ngòi bút là vô cùng nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
“Mỗi khi viết, người làm báo phải xác định luôn khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, tuyệt đối không chạy theo những thông tin thiếu chính xác. Người làm báo phải nhận thức rõ từng câu chữ mình viết ra nếu không chính xác có thể gây dư luận xấu cho xã hội; thậm chí là ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của rất nhiều người. Lan toả những giá trị nhân văn, tốt đẹp; lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, nêu cao các giá trị văn hoá là những gì người làm báo phải theo đuổi đến cùng trong quá trình làm nghề”, nhà báo Hồ Quang Lợi nêu rõ.
Lý giải cho vấn đề này từ góc nhìn văn hóa báo chí, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng cho hay: Những tiêu cực trong hoạt động báo chí hiện nay liên quan trực tiếp đến đạo đức nghề nghiệp, một phạm trù quan trọng của văn hóa. Khi nhà báo tác nghiệp với những hành vi không chuẩn mực, gắn với việc theo đuổi lợi ích cá nhân, vụ lợi là hành vi phản văn hóa, để lại hình ảnh xấu. Cách làm nghề như vậy không chỉ làm tổn thương danh dự của người làm báo chân chính, làm suy giảm uy tín và vai trò của báo chí. Nguy hại nhất là báo chí không còn giữ được bản chất văn hóa lành mạnh, tiến bộ, ảnh hưởng không tốt đến công cuộc xây dựng văn hóa và con người hiện nay.
Để lan tỏa văn hóa báo chí
Chia sẻ liên quan đến việc "Cần làm gì để tác phẩm báo chí có thêm nhiều yếu tố văn hóa, nhân văn?", nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng: Pháp luật dù có chi tiết đến đâu cũng không thể quy định từng trường hợp cụ thể. Cho nên các cơ quan báo chí, mỗi người làm báo phải cân nhắc trước khi xuất bản sản phẩm báo chí, dù không vi phạm pháp luật nhưng liệu có vi phạm đạo đức, lương tâm nghề nghiệp hay không? Có tác động bất lợi đến lợi ích chung của đất nước, cộng đồng, lợi ích riêng chính đáng của cá nhân, tổ chức nào đó không? Yếu tố văn hóa, nhân văn cũng không phải là điều gì khó thực hiện, chỉ cần mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo có ý thức trách nhiệm vì mục đích tận hiến với nghề nghiệp, cân nhắc tác động đến xã hội và công chúng thì sẽ cho ra đời những sản phẩm báo chí chất lượng, đồng thời lan tỏa giá trị nhân văn, văn hóa.
Trong thời đại hiện nay, mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo phải đặc biệt chú trọng xây dựng, phát triển văn hóa báo chí. Có như vậy, người làm báo sẽ tăng cường ý thức được trách nhiệm trong xây dựng kế hoạch hoạt động, tác nghiệp vì mục đích tận hiến với nghề nghiệp; cho ra đời những sản phẩm báo chí chất lượng, tích cực, lan tỏa giá trị nhân văn, văn hóa. Việc tạo lập không gian không gian văn hoá trong hoạt động báo chí là yêu cầu cấp thiết của thực tiễn. Làm tốt điều này chính là góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; là vũ khí sắc bén của Đảng, chế độ ta trên mặt trận tuyên truyền.
Clip chia sẻ của các nhà báo về vấn đề lan tỏa văn hóa báo chí trong các tòa soạn báo:
Các nhà báo hiện nay cũng đang phải đối diện những “cám dỗ” mà công nghệ số mang lại. Với mạng lưới internet phủ khắp, nếu phóng viên chỉ ngồi tại nhà lướt mạng xã hội để kiếm đề tài, tìm những nội dung trôi nổi thay vì kiểm chứng thì sẽ làm mất đi giá trị của báo chí. Tạo cơ hội cho tin giả lan rộng, chi phối tâm lý của đông đảo công chúng. PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không làm chủ được công nghệ, để tin giả lấn lướt cả những bài viết hay thì chúng ta đang không hoàn thành được sứ mệnh của mình. Không giữ được trận địa thông tin thì chúng ta sẽ thua ngay trên sở trường của mình”.
Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Tổng biên tập báo Giao thông đưa ra ý kiến đề cao vai trò của quy trình làm báo và trách nhiệm người đứng đầu trong xây dựng văn hóa báo chí. Theo đó, Phó Tổng biên tập báo Giao thông khẳng định báo chí đứng trước sức ép rất lớn là một sự thay đổi hoàn toàn so với giai đoạn trước. Với sự phát triển của cộng đồng mạng và internet thì báo chí lại chính là một hoạt động được xã hội giám sát. Điều đó khiến tâm thế của người làm báo và các quy định nghiệp vụ của nhà báo cũng phải thay đổi.
“Văn hóa báo chí là vấn đề cấp thiết với tất cả các tòa soạn trong thời điểm hiện nay. Chúng ta thường xuyên gặp các bài báo, tít báo gây bức xúc, được lan truyền rất là nhanh trên mạng xã hội, tạo nên phản ứng từ dư luận. Với các bài viết chệch chuẩn, thiếu văn hóa còn được gọi là những sản phẩm lỗi như vậy, tôi cho rằng đó là do quy trình các tòa soạn chưa được chặt chẽ. Đối với báo giao thông, chúng tôi tuân thủ hướng dẫn của Hội Nhà báo để xây dựng những tiêu chí về văn hóa đối với tòa soạn cũng như đối với phóng viên. Trong nội bộ của tờ báo đã xây dựng cẩm nang làm báo. Tất cả các phóng viên đều phải thuộc đều phải nắm rất rõ các quy định trong cẩm nang này, trong đó hướng dẫn các vấn đề phải làm phải tránh ra khi làm báo để không tạo ra các sản phẩm chệch chuẩn về văn hóa. Bên cạnh đó, tòa soạn báo cũng chặt các quy trình từ phóng viên, đến biên tập viên, thư ký đến ban biên tập, với việc chịu trách nhiệm của người đứng đầu để đảm bảo báo sẽ không có các sản phẩm lỗi, tuân thủ theo đúng phương châm của tòa soạn là “Nhanh nhạy, sắc bén và nhân văn”, Phó Tổng biên tập báo Giao thông Nguyễn Thị Hồng Nga chia sẻ.
Trong khi đó, Đại tá Lê Ngọc Long, Phó Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân chia sẻ về các phương pháp phát động phong trào thi đua trong đơn vị sao cho đi vào thực chất: “Đạo đức là cái gốc đạo đức chi phối tất cả các hành vi suy nghĩ hành động và đặc biệt là trong làm báo thì vấn đề đạo đức càng cần được coi trọng và đặt lên hàng đầu".
Trên thực tế thì đạo đức người làm báo không phải một ngày một cái hay có thể có được mà trải qua rèn luyện học tập nuôi dưỡng. Chúng ta có một cái nền đạo đức dân tộc phong phú trên tinh thần dũng cảm, cần cù, sáng tạo, thông minh. Nếu mỗi người làm báo mà kế thừa được cái nền đạo đức ấy thì sẽ rất là tốt cho bản thân, cho cơ quan, cho từng tác phẩm báo chí của mình. Và quá trình đó phải được tiếp thu tích lũy học tập và rèn luyện thường xuyên.
"Tại báo Quân đội nhân dân, chúng tôi thường xuyên tổ chức sinh hoạt liên chi hội để định hướng, gợi mở các vấn đề về văn hóa báo chí để chính các phóng viên đóng góp, suy nghĩ và ghi nhớ. Chúng tôi cũng tổ chức phát động phong trào thi đua trong cơ quan. Hàng tuần, các hội viên đăng ký theo các tiêu chí ứng với việc làm báo báo Quân đội Nhân Dân, ứng với đạo đức của người làm báo Cách mạng. Chúng tôi thường xuyên biểu dương, nêu gương những gương người tốt việc tốt trong làng báo, đánh giá cao sự cống hiến của các nhà báo và hàng quý cũng có giải thưởng dành cho các nhà báo của báo Quân đội Nhân Dân bằng giải thưởng “Bài hay, ảnh đẹp”. Hàng năm, tòa soạn lựa chọn 5 nhà báo tiêu biểu để tôn vinh khen thưởng và lưu giữ danh sách này trong phòng truyền thống”, Đại tá Lê Ngọc Long cho hay.