Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài của Việt Nam. Trên chặng đường hơn 35 năm đổi mới và 50 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Nhật Bản đã luôn tích cực tham gia hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, những năm qua, quan hệ “Đối tác Chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á” giữa hai nước đã đạt được nhiều bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện.
Hiện tại, Nhật Bản là nước tài trợ viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ hai, nhà đầu tư và đối tác du lịch lớn thứ ba, đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Quan hệ chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, kinh tế, giáo dục và đào tạo ngày càng được tăng cường, đi vào chiều sâu và thực chất. Hoạt động văn hóa, giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương ngày càng mật thiết, là nền tảng quan trọng, vững chắc thúc đẩy mối quan hệ ngày càng gắn bó và tin cậy giữa hai nước.
Nguồn vốn ODA của Nhật Bản góp phần quan trọng trong việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, tạo động lực lan tỏa tích cực, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững; hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Trong đầu tư, Nhật Bản có hơn 5.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 70 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã có 106 dự án đầu tư sang Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 19,5 triệu USD. Trong thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 tiếp tục phát triển theo hướng cân bằng, đạt gần 50 tỷ USD và đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.
Phát triển nguồn nhân lực đang trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong hợp tác giữa hai nước. Tổng số người Việt Nam tại Nhật Bản hiện nay đạt gần 500 nghìn người, đứng thứ hai trong số các cộng đồng người nước ngoài tại Nhật Bản, sinh sống, lao động và học tập tại tất cả các tỉnh, thành của Nhật Bản, là nguồn bổ sung quan trọng cho sự thiếu hụt nhân lực của Nhật Bản trong nhiều ngành nghề.
Sự giao lưu giữa các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân hai nước cũng ngày càng trở nên gần gũi. Hiện có hơn 40 cặp địa phương của Việt Nam và Nhật Bản ký kết các văn bản hợp tác với nhau. Đặc biệt, nhiều địa phương Nhật Bản đã thành lập nhóm liên minh nghị sĩ, tổ chức hữu nghị của từng địa phương với Việt Nam. Các tổ chức hữu nghị hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy giao lưu với các địa phương trên nhiều lĩnh vực.
Nhìn nhận mối quan hệ gần gũi, hữu nghị giữa hai quốc gia, Chủ tịch Đảng Công Minh Nhật Bản Yamaguchi Natsuo trong chuyến sang thăm, làm việc tại Việt Nam vào tháng 8/2003 đã chia sẻ: Hai nước đều có lịch sử từng trải qua chiến tranh đau thương, do vậy đều có mong muốn xây dựng một nền hòa bình bền vững. Nhật Bản đã giúp đỡ Việt Nam vượt qua những khó khăn sau chiến tranh, qua đó làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước và cùng Việt Nam phát triển. Hai nước có nhiều điểm chung khi đều có 100 triệu dân, diện tích và hình dáng đất nước có những nét tương đồng. Quan hệ giao lưu nhân dân sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, đóng góp vào hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới - ông Yamaguchi Natsuo khẳng định.
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng khẳng định những điểm đồng về văn hóa là nền tảng quan trọng góp phần củng cố tình hữu nghị bền chặt giữa hai nước, hai dân tộc. Nhật Bản sẽ nỗ lực hết sức để mở ra vận hội mới cho quan hệ hai nước nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Mối quan hệ đó, như Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh, là "Đối tác Chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á" bước vào giai đoạn phát triển mới trên tinh thần "Tình cảm, chân thành, tin cậy, thực chất, hiệu quả".
Nhận định về tiềm năng hợp tác giữa hai nước cũng như quan hệ song phương và phối hợp trên trường quốc tế, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu cũng bày tỏ: 50 năm qua, hai nước đã trở thành đối tác hết sức quan trọng của nhau, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung. Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, tổ chức gặp gỡ bên lề các hội nghị quốc tế và khu vực, từ đó củng cố quan hệ tin cậy giữa lãnh đạo hai nước, đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển hiệu quả trong quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực. Và hai nước còn dư địa rất lớn để thúc đẩy quan hệ hơn nữa trên mọi phương diện. Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài của Việt Nam, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung trong khu vực và quốc tế.
Những tiềm năng, dư địa hợp tác của mối quan hệ song phương đã bước sang thập kỷ thứ năm, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã nêu rõ: Trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", hài hòa lợi ích giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, Chính phủ Việt Nam sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Nhật Bản tiến hành đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.
Là hai nước Đông Á, hai quốc gia biển, hai nền kinh tế Việt Nam - Nhật Bản có tính bổ sung cao, còn nhiều dư địa và nhiều tiềm năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng chuỗi cung ứng và phát triển xanh- Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.
Chuyến thăm của Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương Kiko trong dịp kỷ niệm năm thập kỷ quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia Việt Nam – Nhật Bản chính là sự khẳng định mạnh mẽ truyền thống hợp tác, lòng chân thành, sự tin cậy lẫn nhau. Chuyến thăm sẽ góp phần tiếp tục củng cố và phát triển sâu sắc, bền chặt, hiệu quả, thực chất hơn nữa trong quan hệ song phương, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.