Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao thủ trưởng các sở, ngành Thành phố, Chủ tịch UBND các quận huyện và thành phố Thủ Đức kịp thời thay thế, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức có dư luận gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp và nhân dân. Việc thay thế, chuyển đổi vị trí này cũng thực hiện với cán bộ, công chức, viên chức thụ động, chậm trễ không chủ động giải quyết công việc thuộc chức trách, nhiệm vụ được giao.
Người đứng đầu UBND Thành phố cũng yêu cầu thủ trưởng các sở ngành, địa phương chỉ đạo xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác ở những vị trí cần phải chuyển đổi công tác để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.
Nội dung kế hoạch phải xác định cụ thể danh mục các vị trí công tác định kỳ chuyển đổi; xác định rõ đối tượng, thời hạn, thời điểm chuyển đổi của từng vị trí trong cơ quan, đơn vị, địa phương, biện pháp tổ chức thực hiện. Các sở, ngành, địa phương phải hoàn thành việc xây dựng kế hoạch, gửi báo cáo kết quả thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác 6 tháng và báo cáo năm về UBND Thành phố (thông qua Sở Nội vụ).
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi giao Sở Nội vụ Thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo kết quả việc chuyển đổi vị trí công tác để phòng, chống tham nhũng theo quy định.
Sở Nội vụ cũng kịp thời báo cáo UBND Thành phố xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện không nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác hoặc để xảy ra vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý.