Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên Biển Đông và động đất tại Kon Tum

Ngày 23/8, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện số 26/CĐ-QG gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên, các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí về việc chủ động ứng phó với bão.

Chú thích ảnh
Các tàu thuyền neo đậu sát nhau để tránh trú cơn bão số 2. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 23/8, vị trí tâm bão Ma-on ở trên khu vực phía Đông Bắc đảo Luzon (Philipines). Từ 13 giờ ngày 23/8 đến 13 giờ ngày 24/8, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, khoảng đêm 23/8, bão sẽ đi vào khu vực phía Bắc của Biển Đông, sức gió gần tâm bão mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 13.

Để chủ động ứng phó với bão, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành nêu trên chỉ đạo thực hiện việc theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới được xác định từ phía Bắc vĩ tuyến 16,5 độ Vĩ Bắc, phía Đông kinh tuyến 115,5 độ Kinh Đông (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).

Các bộ, ngành, địa phương tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trên biển; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời tình huống xấu có thể xảy ra; thông tin, hướng dẫn chủ cơ sở sản xuất để điều chỉnh kế hoạch sản xuất trên biển, ven biển phù hợp với diễn biến của bão; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, hệ thống Đài thông tin duyên hải, các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường biện pháp thông tin về diễn biến của bão đến các cấp chính quyền, chủ phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

Bộ Ngoại giao liên hệ các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực để tạo điều kiện cho ngư dân, tàu cá vào tránh trú và hỗ trợ, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.

Các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

* Cùng ngày, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản số 445/VPTT gửi tỉnh Kom Tum; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Viện Vật lý Địa cầu chủ động ứng phó với động đất trên địa bàn.

Theo bản tin thông báo động đất của Viện Vật lý Địa cầu - Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, ngày 23/8/2022 đã liên tiếp xảy ra 4 trận động đất tại huyện KonPlông, tỉnh Kon Tum, trong đó có trận động đất có độ lớn 4,7 (rủi ro thiên tai cấp 1).  

Để chủ động phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do động đất có thể gây ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị, Ban Chỉ huy tỉnh Kon Tum, các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan chỉ đạo sở, ngành liên quan, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, xã kiểm tra, đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng của các trận động đất đã xảy ra đối với nhà ở của nhân dân, trụ sở làm việc, trường học nội trú, công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ đập thủy điện, thủy lợi, kịp thời phát hiện, khắc phục sự cố, hư hỏng để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để ứng phó, khắc phục hậu quả kịp thời khi có tình huống.

Tỉnh Kon Tum, các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ dư chấn động đất, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, chính quyền và người dân biết để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về tình hình động đất, cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với động đất để người dân, cộng đồng chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, đồng thời tránh tâm lý hoang mang, bất an trong dư luận (tài liệu hướng dẫn, tờ rơi, clip được Ban chỉ đạo cung cấp và đăng tải trên website: phongchongthientai.mard.gov.vn/Pages/Tai-lieu-truyen-thong-pctt.aspx).

Các đơn vị nêu trên tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi sát tình tình diễn biến, báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Thắng Trung (TTXVN)
Công điện của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó động đất tại Kon Tum
Công điện của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó động đất tại Kon Tum

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 750/CĐ-TTg về ứng phó động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN