Đây là nội dung nổi bật được ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên đưa ra tại phiên thảo luận “Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số” trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2024 diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 16/3.
Theo ông Nguyễn Ngọc Toàn, việc báo chí bị vi phạm bản quyền dẫn đến suy yếu về kinh tế, từ đó phải chạy theo thị hiếu cơ bản của bạn đọc và phụ thuộc thêm vào quảng cáo, dẫn đến giảm nguồn lực đầu tư cho báo chí chất lượng, hệ quả là hầu hết các cơ quan báo chí đều chạy theo một hướng dễ dãi, dẫn đến nhu cầu bảo vệ bản quyền trở nên không cần thiết.
Tổng biên tập Báo Thanh Niên cũng bày tỏ lo ngại tình trạng vi phạm bản quyền sẽ nghiêm trọng hơn trong làn sóng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) khi xuất hiện những cỗ máy tự tổng hợp, tự viết, tự đăng. Do đó, bản quyền không chỉ là một vấn đề đơn lẻ, mà còn là một phần của hệ sinh thái báo chí, truyền thông, có quan hệ đến sức mạnh của mọi cơ quan báo chí.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Ngọc Toàn đề xuất, cần hình thành được một liên minh bản quyền báo chí. Theo đó, cần thống nhất đây là một liên minh của tất cả các cơ quan báo chí để hiệu lực thực tế của nó mang tính bao trùm. Đồng thời, đây phải là liên minh giữa các cơ quan báo chí và các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan quản lý báo chí - truyền thông cũng như các doanh nghiệp, tổ chức có lợi ích trong ngành báo chí - truyền thông. Mặt khác, liên minh phải thống nhất được những quy định có tính bắt buộc với tất cả các bên và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo chứng khi cần đưa ra những chế tài.
Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, trong bối cảnh công nghệ 4.0, vấn đề bản quyền đang ngày càng trở nên cấp bách. Về hệ thống pháp lý liên quan đến vấn đề bảo hộ bản quyền tác phẩm báo chí, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền cho rằng, điều tiên quyết là các cơ quan báo chí cần có biện pháp rà soát dữ liệu đầu vào, bảo đảm dữ liệu đó phải sạch và minh bạch để tránh rủi ro cho pháp lý về sau. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần phải quyết liệt trong việc áp dụng các luật bảo vệ bản quyền trong việc tự bảo vệ chính mình.
Liên quan đến các mạng xã hội vi phạm bản quyền báo chí, theo ông Phạm Tuấn Anh, Tổng Biên tập Báo Dân trí, các cơ quan báo chí cần chủ động nhằm hạn chế tình trạng các nền tảng mạng xã hội vi phạm bản quyền báo chí. Cụ thể, các cơ quan báo chí cần chủ động áp dụng các giải pháp công nghệ để tự bảo vệ và cảnh báo khi tin, bài bị lấy mà chưa được sự đồng ý. Cạnh đó, cần chủ động đấu tranh công khai, trực diện với các cá nhân và tổ chức có hành vi vi phạm bản quyền trên báo chí; ủy quyền cho các bên như luật sư, tổ chức hành nghề luật, tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp được cấp phép nhằm bảo vệ quyền lợi của mình theo cách chuyên nghiệp nhất. Đồng thời, các đơn vị cần có kế hoạch thành lập trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí có sự tham gia của các bên gồm: Báo chí, công nghệ và cơ quan quản lý Nhà nước.