Những nguy cơ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích
Tại phiên họp toàn thể, các đại biểu thiếu nhi đã đóng vai các đại biểu Quốc hội và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội và Chính phủ để đề ra những giải pháp không chỉ với tư cách là đại biểu “dân cử” mà còn là lãnh đạo các bộ, ban ngành.
Trong đó, em Đặng Cát Tiên vào vai Chủ tịch “Quốc hội trẻ em”; em Lê Quang Vinh vào vai Phó Chủ tịch Thường trực “Quốc hội trẻ em”; các Phó Chủ tịch “Quốc hội trẻ em”, gồm: Đàm Hà My, Kiều Quang Huy, Nguyễn Thế Mạnh.
Các đại biểu Quốc hội giả định đã nói lên mong muốn của mình và những giải pháp trong việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng và phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực học đường.
Hiện nay, tình trạng tai nạn thương tích, bạo lực và xâm hại trẻ em đang có xu hướng gia tăng, trở thành một vấn đề gây bức xúc, lo lắng của toàn xã hội.
Phát biểu thảo luận, Đại biểu trẻ em Hoàng Trà My, Đoàn đại biểu trẻ em tỉnh Nghệ An chia sẻ về kết quả khảo sát thực tế trên 41.000 cử tri trẻ em được thực hiện trước phiên họp cho thấy, có tới 11,96% trẻ em cho rằng vấn đề xâm hại tình dục trẻ em thỉnh thoảng xảy ra. Các hành vi xâm hại như tát, đấm, đá, xúc phạm danh dự được đánh giá là xảy ra ở mức độ đặc biệt cao, trên 30%; 44,5% trẻ em tìm phương án giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực; 44,6% trẻ bị tai nạn thương tích là do bị bạn bè lôi kéo vào các hoạt động không an toàn...
Đại biểu trẻ em Trà My nêu các nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do trẻ em chưa có hiểu biết về bạo lực, xâm hại trẻ em; chưa có hiểu biết về các nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích và thiếu ý thức để phòng tránh. Hệ thống biển báo, cảnh báo các nguy cơ mất an toàn chưa đầy đủ và thường xuyên. Trẻ em chưa được tiếp cận với các chương trình truyền thông phòng, chống tai nạn thương tích. Công tác truyền thông về phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em đã khá nhiều nhưng chưa phù hợp với hứng thú, sở thích của học sinh, hình thức không đổi mới, kém hấp dẫn, truyền thông tại sân trường ồn ào khiến trẻ chỉ nói chuyện, không quan tâm lắng nghe. Nhiều chương trình truyền thông trên truyền hình trẻ em không biết đến hoặc phát sóng lúc trẻ đang đi học thêm nên trẻ thiếu kiến thức.
Ngoài ra còn có việc giáo dục giới tính ở nhà trường cho các em chưa được quan tâm. Nhiều giáo viên e ngại, né tránh khiến học sinh không đủ kiến thức để hiểu về bản thân và phòng tránh các nguy cơ xâm hại tình dục. Nhiều học sinh không dám tố cáo vụ việc do sợ bị trả thù. Nhiều học sinh chưa biết đến tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111.
Từ những nguyên nhân này, Đại biểu trẻ em Hoàng Trà My đề xuất, các cơ quan chức năng tại địa phương quan tâm trang bị các biển báo về nguy cơ mất an toàn cho trẻ em ở các hồ bơi, ngã ba, ngã tư tại các thôn, xóm. Cơ quan chức năng, nhà trường cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng, tránh tại nạn thương tích, bạo lực, xâm hại thường xuyên hơn bằng hình thức phù hợp, hấp dẫn với trẻ em như kịch tương tác, tiểu phẩm, các trò chơi, các cuộc thi vẽ tranh cổ động. Đồng thời, nhà trường cần quan tâm đưa chương trình giáo dục giới tính vào nhà trường, tích hợp thường xuyên trong các môn học; thầy cô cởi mở hơn trong trao đổi với các em. Hướng dẫn để trẻ em biết cách trình báo, tố cáo vụ việc tới các cơ quan, chức năng...
Đồng tình với vấn đề này, Đại biểu trẻ em Phạm Nguyễn Gia Hân, Đoàn đại biểu trẻ em Thành phố Đà Nẵng cho biết: "Có rất nhiều trẻ em ngại chia sẻ với thầy cô, bạn bè về vấn đề mà mình gặp phải nên việc để những trẻ em này tham gia talkshow để nói lên vấn đề của mình sẽ rất khó khăn. Vì vậy cần phát triển các trung tâm tư vấn tâm lý học đường ở tất cả các trường học, có các bác sĩ tâm lý chuyên nghiệp để giúp học sinh giải quyết những vấn đề khó khăn của mình".
Làm thế nào để tạo hành lang an toàn khi trẻ tham gia môi trường mạng
Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu trẻ em Khúc Trà Giang, Đoàn Đại biểu trẻ em TP Hải Phòng nêu ra một thực tế là trẻ em hiện nay tiếp xúc nhiều trên mạng xã hội, nội dung thu hút các bạn chủ yếu là các câu chuyện drama, các tựa game, các xu hướng, trào lưu như chụp ảnh chuyển qua anime,... Bên cạnh những lợi ích thiết thực, những tác động tiêu cực từ các thông tin xấu, độc lan truyền trên mạng. Các nguy cơ tiềm ẩn hay cạm bẫy khó nhận biết do trẻ em chưa có đủ kỹ năng để tự bảo vệ mình khi tham gia hoạt động trên không gian mạng.
Đại biểu trẻ em Khúc Trà Giang cho biết, tình trạng bạo lực xảy đến, trẻ em không dám báo cho người lớn. Bởi thực tế, nhiều trường hợp đối tượng dù đã bị xử phạt khi bắt nạt nhưng vẫn quay lại trả thù.
Từ thực tế này, Đại biểu trẻ em Khúc Trà Giang kiến nghị nhà trường đưa nội dung an toàn trên không gian mạng vào các bộ môn trong trường học như giáo dục công dân, tin học. Nhà trường cũng cần chú trọng hơn trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để các em có thể tự bảo vệ bản thân và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng; có các chương trình tập huấn cho phụ huynh về an toàn mạng và kỹ năng quản lý con cái sử dụng mạng.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chính sách pháp luật cần đổi mới, sử dụng những bài đăng ngắn hay các mẩu chuyện đối đáp, bức tranh sống động cùng với những lời thoại súc tích, dễ hiểu để trẻ em có thể hiểu biết thêm về các bộ luật. Nhà trường có các chương trình tập huấn cho phụ huynh về an toàn mạng và kỹ năng quản lý con cái sử dụng mạng.
Về phía trẻ em, cần lập thời khóa biểu phù hợp, kiểm soát thời gian sử dụng điện thoại của chính mình; tham gia các hoạt động của trường lớp, hạn chế xem điện thoại quá nhiều. Nâng cao ý thức và bảo vệ bản thân khỏi các tình huống xấu trên không gian mạng; không nên lập tài khoản cá nhân trên mạng xã hội mà chỉ nên sử dụng internet để tham khảo học tập, học hỏi kỹ năng sống.
Đại biểu trẻ em Ngô Thị Kim Cương, Đoàn đại biểu trẻ em tỉnh Tây Ninh cho rằng, hơn ai hết, gia đình, đặc biệt cha mẹ chính là những “lá chắn” cho trẻ, nên cần chủ động tìm hiểu, ứng dụng các giải pháp về công nghệ số để kiểm soát thông tin cá nhân của trẻ, hướng dẫn cho trẻ em những kiến thức cơ bản như: không ấn vào đường link lạ, biết cung cấp thông tin đúng cách, định hướng để giúp con em mình tương tác lành mạnh và an toàn trên môi trường mạng.
Đại biểu trẻ em Ngô Thị Kim Cương cũng cho rằng, cha mẹ nên tìm hiểu những mối quan hệ để biết bạn bè con. Đồng thời, tìm hiểu và cài đặt ứng dụng nhằm ngăn chặn sự xuaam nhập của các trang web độc hại để giúp con tránh các nguy cơ bị tai nạn, xâm hại từ môi trường mạng internet.
Đại biểu trẻ em Ngô Thị Kim Cương cũng đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng thời lượng dạy và học môn tin học, ngoài những kiến thức về ứng dụng cơ bản như word, excel cần cho học sinh trang bị kỹ năng tiếp xúc với Internet an toàn. Môn học Giáo dục công dân cần có nội dung phòng, chống xâm hại trên môi trường mạng.
Chủ tịch Quốc hội trẻ em Đặng Cát Tiên, học sinh lớp 9/3, Trường THCS Thái Nguyên, Khánh Hòa cũng cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về an toàn trực tuyến cho trẻ em. Cụ thể, cần tích hợp chương trình giảng dạy về an toàn trực tuyến vào giáo trình học đường để tạo ra một thế hệ trẻ thông thái, tự tin và biết sử dụng mạng an toàn.
Còn Phó Chủ tịch Thường trực “Quốc hội trẻ em” Lê Quang Vinh cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan để lồng ghép vào chương trình học, đặc biệt là môn tin học, các kỹ năng để trẻ em có đủ kiến thức tự bảo vệ mình trên môi trường mạng và biết kiểm soát thông tin cá nhân.
Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I, năm 2023 đã diễn ra với 8 ý kiến phát biểu thảo luận, 2 ý kiến tranh luận. Bộ trưởng trẻ em Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và truyền thông và Phó Thủ tướng Chính phủ trẻ em tiếp thu, làm rõ các vấn đề đại biểu trẻ em quan tâm.
Kết thúc Phiên họp, các đại biểu trẻ em đã thông qua Nghị quyết Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I, năm 2023. Nghị quyết này được xem như một báo cáo kiến nghị của cử tri đặc biệt lên Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về các vấn đề liên quan đến trẻ em.
Chủ tịch Quốc hội trẻ em Đặng Cát Tiên khẳng định, phiên họp thành công tốt đẹp, có nhiều đổi mới, sáng tạo, đáp ứng tốt hơn những yêu cầu thực tiễn. Có 266 lượt đại biểu Quốc hội trẻ em phát biểu tại 8 phiên thảo luận tổ và phiên toàn thể. Các ý kiến của các đại biểu trẻ em đã được đại diện các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cho ý kiến tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng, thấu đáo.