SDGs - một trong những phần quan trọng của các Mục tiêu Thiên niên kỷ
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã nghe phát biểu đề dẫn về “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững” của nguyên cố vấn Tổng Giám đốc Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), Giáo sư Đại học Pavia (Italy) Maurizio Bona; Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICISE), Giáo sư Jean Trần Thanh Vân; Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn và phát biểu ghi hình của Trợ lý Tổng Giám đốc về khoa học xã hội và nhân văn, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) Gabriela Ramos; ông Andy Williamson, nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Đổi mới của IPU; đại diện Liên minh các nền văn minh Liên Hợp Quốc.
Quan tâm tới vai trò quan trọng của các nghị viện, đặc biệt là nghị sĩ trẻ tại Hội nghị lần này, đại diện Liên minh các nền văn minh Liên Hợp Quốc Miguel Ángel Moratinos nêu rõ, Hội nghị diễn ra đúng thời điểm Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 78 đang thảo luận về các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và ứng phó với tác động của những khủng hoảng mà thế giới đang phải đối mặt, để từ đó đề ra định hướng thúc đẩy hành động hoàn thành các mục tiêu. “SDGs là một trong những phần quan trọng của các Mục tiêu Thiên niên kỷ”, ông Miguel Ángel Moratinos khẳng định.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Việt Nam, ông Bùi Hoài Sơn, nêu rõ, là đất nước có bề dày lịch sử và văn hóa truyền thống, Việt Nam đã, đang thực thi và không ngừng hoàn thiện thể chế, chính sách theo phương châm xuyên suốt “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững”.
Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định những định hướng lớn, quan trọng trong quá trình phát triển đất nước Việt Nam, trong đó nổi bật có những nội dung liên quan đến phát huy đa dạng văn hóa, tôn trọng văn hóa các dân tộc, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững như: “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hoá gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển. Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao”.
Ông Bùi Hoài Sơn cũng nêu rõ: Quốc hội Việt Nam cũng rất quan tâm, chú trọng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành chính sách nhằm thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững. Hiến pháp - đạo luật gốc có giá trị pháp lý cao nhất khẳng định quyền bình đẳng của các dân tộc đã nhấn mạnh: các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Quốc hội đã ban hành các luật về tín ngưỡng, tôn giáo, di sản văn hóa, quảng cáo, thư viện…, các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, dân tộc miền núi, xóa đói giảm nghèo…thường xuyên thực hiện công tác giám sát, chất vấn để bảo đảm những vấn đề đa dạng văn hóa được tôn trọng và xuyên suốt trong các chương trình lớn của đất nước.
Văn hóa - một trụ cột của phát triển bền vững
Sau phát biểu đề dẫn, các đại biểu tập trung thảo luận về vai trò của các nghị viện và nghị sĩ trẻ trong việc thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ và toàn cầu hóa. Trong đó, hướng tới các nội dung: hợp tác kỹ thuật số dựa trên đạo đức và giảm thiểu tác động không mong muốn của chuyển đổi số đối với quyền riêng tư, bảo mật và hạnh phúc; phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển tại cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế; cam kết bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa; tạo môi trường, hệ sinh thái thuận lợi cho văn hóa và đa dạng văn hóa; vai trò của văn hóa và đa dạng văn hóa trong phát triển bền vững.
Thay mặt Đoàn đại biểu Việt Nam phát biểu tại phiên thảo luận, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An nêu rõ, đa dạng văn hóa là nhân tố quyết định sự giàu có và phong phú của nguồn tài nguyên văn hóa, từ đó làm gia tăng cơ hội phát triển kinh tế, tạo nên sự thịnh vượng cho mỗi quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia cần tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa riêng, có sự tôn trọng lẫn nhau về sự đa dạng văn hóa giữa các quốc gia - dân tộc; đồng thời, chia sẻ lẫn nhau, chắt lọc, phát huy tinh hoa văn hóa chung của nhân loại để cùng phát triển.
Việc bảo đảm nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau sẽ đưa các quốc gia, các nền văn hóa cùng hợp tác, đối thoại, xây dựng niềm tin và chia sẻ để cùng tồn tại và phát triển thay vì tạo ra những xung đột và mâu thuẫn. Chính vì ý nghĩa này, việc thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa sẽ giúp cùng xây đắp một văn hóa phổ quát - văn hóa của sự đa dạng.
Nhấn mạnh điều này, ông Trịnh Xuân An khuyến nghị, Quốc hội các nước nên khẳng định vai trò của văn hóa như một trụ cột của phát triển bền vững và thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc, phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển tại cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Cam kết bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa; tạo môi trường, hệ sinh thái thuận lợi cho văn hóa và đa dạng văn hóa; khẳng định vai trò của kinh tế sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa; phát triển hệ thống các thành phố thuộc Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
“Cùng đó, khẳng định vai trò của văn hóa và đa dạng văn hóa trong quá trình giải quyết các khó khăn, thách thức đối với nhân loại hiện nay, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu, phòng chống nạn buôn bán, vận chuyển trái phép tài sản văn hóa”, đại diện Đoàn đại biểu Việt Nam nhấn mạnh.