Thông tấn xã Việt Nam tri ân các thương binh, liệt sĩ

Trong không khí cả nước tri ân ngày thương binh liệt sĩ, chiều ngày 24/7, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017).

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TTXVN qua các thời kỳ và các đại biểu thân nhân gia đình thương binh – liệt sĩ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt – Hà Nội. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi khẳng định: Đây là dịp để ôn lại ý nghĩa lịch sử và truyền thống vẻ vang của ngày Thương binh Liệt sĩ, để “tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái và tỏ lòng yêu mốn thương binh” như lời dạy của Bác Hồ và cũng thể hiện trách nhiệm trước những hy sinh to lớn của các liệt sĩ và thương binh, những người đã ngã xuống hoặc mất một phần máu xương vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ Quốc.


Ngay từ khi mới ra đời (ngày 15/9/1945), TTXVN luôn gắn bó và trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng của nhân dân, gắn bó với sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Từ ngôi nhà số 5 Lý Thường Kiệt (Hà Nội) đã chứng kiến các đoàn cán bộ, phóng viên, nhân viên, kỹ thuật của TTXVN ra đi tới các chiến trường, trong đó, nhiều đồng chí mãi mãi không bao giờ trở lại, một số đồng chí để lại một phần cơ thể nơi chiến trường để những dòng tin chảy mãi. Hơn 260 nhà báo liệt sĩ của TTXVN đã ngã xuống, hàng chục thương binh đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước và xây dựng Tổ quốc. Đây là mất mát to lớn nhưng cũng là niềm tự hào và truyền thống vẻ vang của TTXVN.


Nhà báo, liệt sĩ đầu tiên của TTXVN đã ngã xuống là đồng chí Trần Kim Xuyến, Phó Giám đốc Nha thông tin Việt Nam, phụ trách TTXVN; hy sinh ngày 3/3/1947; tại khu đầm Sen, xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Tây (nay là thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). 


"Nhà báo, liệt sĩ Trần Kim Xuyến là thủ trưởng đầu tiên của TTXVN, là liệt sĩ đầu tiên của ngành và cũng là một trong những nhà báo cách mạng đầu tiên hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tên nhà báo liệt sỹ Trần Kim Xuyến đã được đặt tên cho một con đường ở Thủ đô và một con đường ở thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, quê hương của nhà báo liệt sĩ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hơn 260 phóng viên, kỹ thuật viên của TTXVN hy sinh. Ngay cả khi đất nước hòa bình, thống nhất, TTXVN vẫn có mất mát với 3 đồng chí đã hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả", Tổng giám đốc Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.


Tri ân và biết ơn vô hạn công lao to lớn của các thương binh, liệt sĩ đã hy sinh, cống hiến cho độc lập, tự do của dân tộc, cho sự nghiệp thông tấn, Đảng ủy và lãnh đạo TTXVN luôn giành sự quan tâm đặc biệt và luôn chăm lo đến công tác thương binh – liệt sĩ của ngành và coi đó là trách nhiệm và tình cảm sâu nặng với các gia đình liêt sĩ, thương binh. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của tất cả cán bộ, công nhân viên cơ quan. Trong nhiều năm qua, TTXVN đã thực hiện nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như xác định các liệt sĩ của TTXVN đã hy sinh trong chiến tranh; tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ, xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, tạo công ăn việc làm cho thân nhân liệt sĩ, phụng dưỡng bà Mẹ Việt Nam anh hùng…


“Trong những năm qua, TTXVN đã tổ chức đi tìm kiếm, quy tập được 39 mộ liệt sĩ, xây dựng 2 mộ liệt sĩ tượng trưng đáp ứng nguyện vọng của gia đình. Khi có những thông tin từ gia đình, bạn bè và đồng đội về phần mộ của các liệt sĩ ở chiến trường xưa, cơ quan cử các đoàn cán bộ phối hợp với các đơn vị bạn, địa phương đi tìm tiếm, xác định mộ liệt sĩ. Cơ quan còn cử nhiều đoàn cán bộ cơ quan đại diện TTXVN tại TP Hồ Chí Minh cùng bộ đội và các bạn Campuchia tìm kiếm trong rừng biên giới đưa 4 hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang liệt sĩ TP Hồ Chí Minh và Long An”, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Lợi cho biết.


Từ năm 1995 đến nay, TTXVN đã xây dựng được 10 nhà tình nghĩa, tặng 600 sổ tiết kiệm tình nghĩa với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng, hỗ trợ các gia đình liệt sĩ xây, sửa nhà, xây nhà thờ họ tộc hương khói cho liệt sĩ…  TTXVN còn luôn hưởng ứng tích cực phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ “Vì nỗi đau da cam” của TTXVN. Quỹ “Vì nỗi đau da cam” của TTXVN đã vận động quyên góp, trao tặng hàng ngàn phần quà, 110 xe lăn, xây dựng hơn 50 nhà tình nghĩa cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam trong cả nước với số tiền hơn 5 tỷ đồng. Tổng số tiền đóng góp cho Quỹ đền ơn đáp nghĩa Trung ương từ năm 1995 đến nay là trên 2 tỷ đồng.


Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ năm nay, TTXVN đã phát động trong cán bộ, công nhân viên ủng hộ mỗi người một ngày lương, trao tặng 60 sổ tiết kiệm với tổng trị giá 180 triệu đồng cho các gia đình liệt sĩ, thương binh có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, ủng hộ chủ trương tặng 100 nhà tình nghĩa tại Quảng Trị, Đảng ủy TTXVN tặng hai nhà tình nghĩa bằng số tiền của các đảng viên trong toàn Đảng bộ. “Mỗi khi biết các gia đình có khó khăn, cha mẹ ốm đau, cơ quan, tổ chức đều cử cán bộ đến chăm lo, giúp đỡ gia đình kịp thời. Hàng năm, vào ngày Tết Nguyên đán và ngày thương binh liệt sĩ 27/7, cơ quan tổ chức các đoàn đến thăm và tặng quà các thương binh, gia đình liệt sĩ, tổ chức dâng hương, tưởng niệm các liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ", Tổng giám đốc Nguyễn Đức Lợi khẳng định.


Những phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng cho TTXVN gồm: Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới; Huân chương Sao vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng nhất; Huân chương thành đồng Tổ quốc hạng nhất và các phần thưởng cao quý khác đều có sự đóng góp to lớn của các liệt sĩ, thương binh.


Tại buổi lễ, bà Phương Bích Ngân, vợ liệt sĩ Thẩm Đức Hòa, thay mặt thân nhân các liệt sĩ, đã  cảm ơn sự quan tâm của TTXVN trong suốt thời gian qua. Những ngày tết, ngày thương binh liệt sĩ (27/7), TTXVN đều có đoàn đến thăm hỏi, động viên gia đình. Khi đưa hài cốt liệt sĩ về an táng đều cử đoàn đến đón và đưa về nghĩa trang an táng. Những lúc gia đình khó khăn, TTXVN luôn đến động viên, giúp gia đình vượt qua khó khăn.


Nhân dịp này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trao kỷ niệm chương cho 6 cá nhân; tặng bằng khen cho 5 cá nhân và 5 tập thể vì có thành tích trong công tác chăm sóc người có công của TTXVN. Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi cũng trao tặng bằng khen cho 3 tập thể, 5 cá nhân.


XC/Báo Tin Tức
Thông tấn xã Việt Nam với chặng đường dài làm công tác tri ân
Thông tấn xã Việt Nam với chặng đường dài làm công tác tri ân

Được làm việc dưới sắc cờ vinh quang và niềm tự hào to lớn ấy, mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, chuyên viên, kỹ thuật viên của TTXVN không thể và không được phép quên 260 nhà báo - liệt sỹ và 30 thương, bệnh binh, những người có công đầu trong sự nghiệp chung của TTXVN.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN