Thông tấn xã Việt Nam với chặng đường dài làm công tác tri ân

Được làm việc dưới sắc cờ vinh quang và niềm tự hào to lớn ấy, mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, chuyên viên, kỹ thuật viên của TTXVN không thể và không được phép quên 260 nhà báo - liệt sỹ và 30 thương, bệnh binh, những người có công đầu trong sự nghiệp chung của TTXVN.

Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã trở thành một tổ hợp truyền thông quốc gia hiện đại, một cơ quan thông tin chiến lược tin cậy của Đảng và Nhà nước, một hãng thông tấn có uy tín trong khu vực và trên thế giới… TTXVN là cơ quan báo chí duy nhất của nước ta được phong tặng hai danh hiệu Anh hùng: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và Anh hùng các Lực lượng vũ trang Nhân dân trong thời kỳ kháng chiến cứu quốc.

Được làm việc dưới sắc cờ vinh quang và niềm tự hào to lớn ấy, mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, chuyên viên, kỹ thuật viên của TTXVN không thể và không được phép quên 260 nhà báo - liệt sỹ và 30 thương, bệnh binh, những người có công đầu trong sự nghiệp chung của TTXVN.

Oanh liệt và hào hùng

Tính đến nay, tại Việt Nam đã có bốn con đường mang tên các nhà báo của TTXVN, trong đó có hai đường Trần Kim Xuyến được đặt tại phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Thủ đô Hà Nội và thị trấn Phố Châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh; một đường Bùi Đình Túy được đặt ở phường 12, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh và một đường Lâm Hồng Long được đặt tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

TTXVN tổ chức Lễ gắn biển tên phố Trần Kim Xuyến tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội ngày 5/3/2014. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Đằng sau mỗi tên tuổi được lưu danh muôn thuở ấy, là những câu chuyện cảm động về cuộc sống, chiến đấu của những con người có nhân cách cao cả, tài năng và công lao to lớn, đẹp như huyền thoại. Đó là đồng chí Trần Kim Xuyến, nguyên Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ, kiêm Phó Giám đốc Nha thông tin Việt Nam, tiền thân của VNTTX (TTXVN ngày nay) và cũng là một trong ba người được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao tham gia thành lập Đài Phát thanh quốc gia… Người lãnh đạo trẻ tuổi hy sinh ở tuổi 26 ấy, là nhà báo - liệt sỹ đầu tiên của TTXVN. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn là học trò trường Quốc học Vinh, từng bị thực dân Pháp bắt, giam giữ và vượt ngục Hỏa Lò, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Thủ đô Hà Nội.

Ông đã hy sinh vào sáng 3/3/1947 vì trúng đạn liên thanh của địch, khi đang chỉ huy việc chuyên chở, cất giấu tài liệu, phá vòng vây địch, cùng cơ quan rút lên khu căn cứ, giữa lúc máy bay và xe tăng địch ào ạt tấn công. Ngày 19/3/1947, Bộ Nội vụ làm giấy truy tặng Liệt sỹ, ghi danh ông, môt tấm gương sáng về lòng can đảm, tận tâm khi thực thi nhiệm vụ. Hai năm sau, ngày 23/4/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 32/SL truy tặng ông Huân chương Kháng chiến hạng Nhất...

Đó còn là Phó Giám đốc  Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) Bùi Đình Túy, bút danh Đinh Thúy (1914 - 1967), Phó Chủ nhiệm Phân xã Nhiếp ảnh Trung ương, đã anh dũng hy sinh trong một lần đi công tác tại Bình Long năm 1967. Trước ngày hy sinh, ông là một trong những người có công đầu trong việc đưa ảnh thời sự của VNTTX bước lên vị trí một thể loại xung kích trên mặt trận thông tin, tuyên truyền...

Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc TTXVN cùng các đại biểu thắp hương tưởng niệm các anh hùng nhà báo- liệt sĩ của TTXVN. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

260 liệt sỹ, nhà báo của TTXVN trong chiến tranh cứu và giữ nước là tổn thất lớn lao nhưng cũng là niềm tự hào, truyền thống tươi thắm về lòng yêu nước, chí khí kiên cường, anh dũng của đội quân xung kích trên mặt trận báo chí và tư tưởng. Các cán bộ, phóng viên, nhân viên kỹ thuật của TTXVN đã ngã xuống trong tư thế người chiến sĩ, chiếm hơn 25% tổng số cán bộ nhân viên TTXVN trong thời kỳ chiến tranh, chiếm 4/5 số nhà báo cả nước hy sinh.

30 đồng chí bị thương từ loại 1 đến loại 4, chưa kể nhiều người bị thương tật suốt đời, bị chất độc da cam. Nếu làm phép tính so sánh giữa số lượng nhà báo - liệt sỹ, thương binh với tổng số 2.500 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, chuyên viên, kỹ thuật viên (trong đó có 1.200 nhà báo) đang làm việc tại 32 đơn vị của TTXVN hiện nay, tỷ lệ giữa những người đã có những đóng góp, hy sinh cao cả cho nền độc lập dân tộc và đội ngũ các chiến sĩ Thông tấn đang xung trận hôm nay, cao tới mức 1/8,6. Tỉ lệ ấy chưa có ở bất kỳ cơ quan báo chí nào trên đất nước ta.

Có gia đình, hai anh em cùng hy sinh cho sự nghiệp Thông tấn như Bùi Văn Thưởng và em là Bùi Văn Tấn, phóng viên duy nhất có mặt trong trận Ấp Bắc. Má của các anh, bà Tám Nghiệp (tức Đoàn Thị Nghiệp) cũng là liệt sỹ, được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Mẹ Việt Nam Anh hùng. Có gia đình hai cha con hy sinh cho sự nghiệp Thông tấn như lão đồng chí Trần Bỉnh Khuôl (tức Hai Nhiếp) và người con là Trần Văn Dũng đều là phóng viên nhiếp ảnh Thông tấn. Máu còn đổ cả khi non sông đã về một mối: nhiều người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và khi làm nghĩa vụ quốc tế tại mặt trận phía Tây Nam.

Các nhà báo - liệt sỹ, thương binh của TTXVN, mỗi người là một cuốn sách hay với những câu chuyện đẹp, cảm động về những năm tháng đối mặt với hiểm nguy nơi chiến trường và cả với đói rét, bệnh tật. Những phóng viên, kỹ thuật viên TTXVN ngã xuống ở tuổi hai mươi, có người quên mình khi đang tác nghiệp, có người trúng bom ngay trên đường Trường Sơn, có cả người vì thú dữ, sốt rét ác tính hay khi đang vận chuyển máy móc, điện đài...

Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, từ Hà Nội đến Việt Bắc, ở Sài Gòn hay bưng biền miền Tây Nam Bộ, nơi đâu cũng có mặt phóng viên, nhân viên kỹ thuật VNTTX - TTXVN ngày nay. Trong kháng chiến chống Mỹ, TTXVN đã cử vào chiến trường gần 450 cán bộ chủ chốt, phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật, chưa kể hàng trăm lượt cán bộ, phóng viên, nhân viên kỹ thuật từ miền Bắc theo các mũi tiến quân, tham gia các chiến dịch ở khắp các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia. Mạng lưới TTXVN ở khu 5 được xây dựng từ năm 1959. Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) được thành lập năm 1960, kịp phát đi bản tin đầu từ chiến khu Dương Minh Châu…

Có bao câu chuyện về những lần bị Mỹ - Ngụy tràn tới càn quét, cán bộ, phóng viên, nhân viên TTXGP vừa phải chiến đấu bảo vệ căn cứ, vừa phải bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin. Hàng trăm phóng viên, nhân viên kỹ thuật TTXVN đã ngã xuống, chưa kể nhiều gia đình vì nuôi giấu cán bộ TTXVN mà bị bắt bớ, tù đầy, thậm chí hy sinh.

Có những phân xã có nhiều cán bộ, phóng viên hy sinh hoặc hy sinh gần như hoàn toàn. Mỗi lần phân xã bị sát hại, phân xã mới lại được tổ chức, rồi lại hy sinh... nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, những người còn sống hoặc được bổ sung vẫn kiên cường bám trụ. Phân xã TTXGP ở Nam Tây Nguyên (Khu 10) chính là một trong những điển hình chịu đựng mọi gian khổ, độc lập chiến đấu, bắn rơi máy bay địch. Và cũng ở đó, 5 nhà báo chiến sỹ của TTXGP đã hy sinh trong một lần làm nhiệm vụ, chỉ còn lại chiếc máy thu phát tin, tuy bị hư hại nhưng vẫn còn được sử dụng tiếp sau này.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân năm 19, trên 40 phóng viên, kỹ thuật viên TTXVN đã hy sinh. Phân xã Sài Gòn - Gia Định có 12 đồng chí ngã xuống, trong đó, có nơi, 3 đồng chí phóng viên, điện báo viên đã chiến đấu anh dũng và cùng hy sinh trong một căn hầm khi bị địch phát hiện. Trong trận càn Junction City năm 1967, liệt sỹ Trần Ngọc Đặng - người được tuyên dương "Dũng sỹ diệt xe tăng", anh dũng chiến đấu, trước khi hy sinh đã bắn cháy hai xe bọc thép của địch. Chị Trương Thị Mai, phóng viên TTXGP miền Trung Nam bộ, là cán bộ ở Tổng xã Hà Nội học ở Liên Xô về, được cử vào chiến trường.

Dù bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng chị kiên cường chịu đựng không một lời khai báo, chấp nhận hy sinh để bảo toàn căn cứ. Ở phân xã Long An, cửa ngõ Sài Gòn, có 7 đồng chí hy sinh và đó cũng là phân xã ba lần bị địch giết hại toàn bộ. Mỗi lần bị xóa sổ, phân xã mới lại được thành lập để bảo đảm dòng thông tin liên tục. Có nơi, điện báo viên hy sinh hết, phóng viên làm luôn nhiệm vụ điện báo để kịp thời chuyển tin về Tổng xã. Phân xã TTXVN tại tỉnh cực nam Nam bộ (Rạch Giá) 5 lần bị xoá sổ. Có lần cả phân xã vừa phát tin xong thì bị địch phát hiện, cả 3 đồng chí đều dũng cảm, kiên cường đánh trả địch cho đến thời khắc người phóng viên cuối cùng ngã xuống. Nhiều phân xã ở Nam Bộ được bổ sung nhiều lần và đã hy sinh tới hơn 20 người như: Kiên Giang, Tiền Giang, Long An...

Tiếp bước cha anh

Tri ân những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, góp tính mệnh và xương máu cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, TTXVN luôn ghi nhớ trách nhiệm ''Đền ơn đáp nghĩa" bằng cả tình cảm và lý trí. Nhiều việc làm cụ thể, thiết thực đã được thực hiện, trở thành nền nếp trong ngành như: Xác nhận liệt sỹ của ngành; tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ; xây dựng nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng; chăm sóc, tặng quà các thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ; giải quyết việc làm cho con thương binh, liệt sỹ của ngành…, góp phần chia sẻ nỗi đau mất mát, giảm bớt khó khăn cho các gia đình...

Cán bộ, phóng viên Truyền hình Thông tấn tặng sổ tiết kiệm cho gia đình liệt sỹ Lê Văn Luyện (xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Không chỉ vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7), trong nhiều năm qua, ở TTXVN, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ được đặt thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Nhiều đoàn cán bộ được cử đi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ trên các địa bàn từ Bắc chí Nam. Những năm 90, TTXVN đã quy tập được 30 hài cốt liệt sỹ. Từ năm 2000 đến nay, có thêm 9 phần mộ nữa được tìm thấy và đưa về an táng tại các nghĩa trang.

Cơ quan đã ba lần cử cán bộ sang Campuchia, tìm kiếm hài cốt các nhà báo - liệt sỹ đã có mặt tác nghiệp thông tin bên cạnh các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế, góp tính mệnh cho công cuộc giải phóng đất nước bạn. Trải qua nhiều tháng ngày cùng bộ đội ta và các bạn Campuchia lặn lội tìm kiếm trong rừng sâu biên giới, năm 2002, 4 hài cốt liệt sỹ của TTXVN đã đưa được về các Nghĩa trang liệt sỹ Thành phố Hồ Chí Minh và Long An.

Cơ quan đại diện của TTXVN tại các địa phương cũng tích cực tham gia tìm kiếm hài cốt các đồng nghiệp. Năm 2011, Cơ quan đại diện TTXVN tại Đà Nẵng cùng gia đình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ Hoàng Văn Đáo, quê Hải Dương, hy sinh tại Quảng Nam. Danh sách liệt sỹ của TTXVN đến nay vẫn tiếp tục được bổ sung, cập nhật.

Điều đáng nói, việc tri ân, hướng về nguồn đối với các nhà báo - liệt sỹ của TTXVN không chỉ là hoạt động riêng biệt, đơn lẻ của cơ quan mà luôn luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt thành của các cấp bộ đảng, chính quyền, đoàn thể và bạn bè, đồng nghiệp trong, ngoài nước.

Phó tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Hoài Dương cùng đoàn công tác dâng hương tri ân Nhà báo Liệt sĩ Phạm Thị Kim Oanh hôm 21/7. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, trong tháng bảy này, các cán bộ lãnh đạo chủ chốt TTXVN cùng các cấp bộ Đảng, đoàn thể đã tổ chức dâng hoa, thắp nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang); trao 60 sổ tiết kiệm, tổng trị giá 180 triệu đồng tặng các gia đình liệt sỹ, thương binh của cơ quan có hoàn cảnh khó khăn. Đảng viên trong toàn Đảng bộ TTXVN đã góp tặng hai căn nhà, hưởng ứng chủ trương của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tặng 100 nhà tình nghĩa cho các gia đình người có công tại tỉnh Quảng Trị.

Tính từ năm 1995 đến nay, TTXVN đã xây dựng được 10 nhà tình nghĩa, tặng gần 600 sổ tiết kiệm với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng cho các gia đình thương binh, liệt sỹ của ngành. Quỹ “Vì nỗi đau da cam” của TTXVN đã xây dựng hơn 50 nhà tình nghĩa, trao 110 xe lăn, hàng ngàn phần quà tặng các gia đình thương binh, liệt sỹ, nạn nhân chất độc da cam trong cả nước, với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng. Hưởng ứng phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", từ năm 1995 đến nay, TTXVN đã góp hơn 1,8 tỷ đồng vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương.

Cơ quan đại diện TTXVN tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, cơ quan thường trú khác ở các địa phương, các cấp ủy Đảng, đoàn thể của các đơn vị trong cơ quan đã cử người đến thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sỹ. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của TTXVN tổ chức hành hương về nguồn, thăm các khu di tích lịch sử, căn cứ địa cách mạng, các hoạt động nghĩa tình biên giới, hải đảo; chăm sóc gia đình người có công; dâng nhang, hoa tưởng niệm hương hồn các anh hùng liệt sỹ tại các nghĩa trang ba miền…

Ghi nhận công lao to lớn của các liệt sỹ, cùng với việc đề nghị Nhà nước vinh danh bằng đặt tên cho những con đường, TTXVN đã đề nghị Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập cho 5 liệt sỹ, Hội Nhà báo Việt Nam truy tặng Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam, Tổng giám đốc TTXVN truy tặng Huy chương Vì sự nghiệp Thông tấn cho các liệt sỹ của ngành.

Tự hào về truyền thống vẻ vang, tiếp bước cha anh, đội ngũ cán bộ, phóng viên TTXVN hiện đang có mặt trên mọi miền đất nước cùng các khu vực quan trọng trên thế giới luôn nỗ lực, luyện rèn, nâng cao năng lực, phẩm chất, đoàn kết, phấn đấu bảo đảm dòng thông tin liên tục, chính xác, đúng định hướng và ngày càng nhanh nhạy.

Tuổi trẻ TTXVN rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, nâng cao ý thức cầu thị, không ngừng học hỏi vươn lên, tiếp cận nhanh với tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa hoạt động thông tin, nhằm sớm thực hiện mục tiêu đưa TTXVN trở thành tổ hợp truyền thông quốc gia đa phương tiện mạnh… Đó cũng chính là sự tri ân sâu sắc, ý nghĩa nhất đối với 260 nhà báo - liệt sỹ, các thương, bệnh binh đã từng góp sức lực, xương máu và cả tính mệnh cho sự nghiệp thông tin của ngành.

Phúc Hằng (TTXVN)
Trao giải cho 41 tác phẩm về đề tài thương binh liệt sĩ, người có công
Trao giải cho 41 tác phẩm về đề tài thương binh liệt sĩ, người có công

Chiều ngày 17/7, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Hôi Nhà văn Việt Nam đã trao giải thưởng cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thương binh, liệt sĩ và người có công. Đến dự có đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN