Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định tham gia ASEAN luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam coi trọng vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và sẽ dành quyết tâm và ưu tiên cao nhất nhằm thực hiện thành công trọng trách này.
Giới thiệu chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” của Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn xây dựng một Cộng đồng ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ và đứng vững trước các tác động của tình hình khu vực và thế giới. "Gắn kết" và "thích ứng" là hai thành tố có tính giao thoa bổ trợ chặt chẽ. Một Cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển mới có thể chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, chủ động thích ứng hiệu quả để giúp ASEAN trở thành một khối gắn kết chặt chẽ.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã chia sẻ năm ưu tiên chính sẽ được Việt Nam thúc đẩy trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 bao gồm: Tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới; nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN. Những ưu tiên này được xây dựng trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của các Chủ tịch ASEAN trước đây cũng như những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Trong khuôn khổ buổi thông tin, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương, Trưởng SEOM Việt Nam và bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đầu mối Hội nghị các quan chức cấp cao phụ trách văn hóa – xã hội ASEAN (SOCA) Việt Nam đã chia sẻ các định hướng và ưu tiên hợp tác trong năm 2020 do Việt Nam đề xuất trong trụ cột Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN. Trong kênh kinh tế, Việt Nam xác định tập trung vào 3 định hướng chính. Thứ nhất, tập trung sức mạnh nội khối ASEAN thông qua kết nối liên kết trong khu vực. Thứ hai, ASEAN với vai trò trung tâm, kết nối các nước, nền kinh tế khác trên thế giới. Cuối cùng là những ưu tiên để tăng cường hiệu quả hoạt động của ASEAN. Trong Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN, Việt Nam đề xuất chú trọng các ưu tiên như gắn kết cộng đồng thông qua phát triển nguồn nhân lực, công tác xã hội và dịch vụ xã hội cho các nhóm yếu thế; tăng cường giao lưu văn hóa, nâng cao nhận thức và bản sắc ASEAN; tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh trong nhóm dân tộc thiểu số; thiết lập cơ chế hợp tác ASEAN đối với vấn đề tin tức giả mạo; thúc đẩy quản lý thảm họa, thiên tai và các hoạt động tình nguyện của thanh niên… Việt Nam cũng sẽ tăng cường các diễn đàn và thảo luận về vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh cũng như lãnh đạo nữ trong Cộng đồng.
Các Đại sứ, Đại biện đánh giá chủ đề và ưu tiên Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đưa ra phù hợp với bối cảnh quốc tế và khu vực cũng như đáp ứng được đòi hỏi đối với Cộng đồng ASEAN hiện nay. Điều này thể hiện sự nhạy bén, chủ động và tích cực của Việt Nam, Chủ tịch ASEAN 2020.