Trước đó, theo ông Cao Tiến Hùng, do khó khăn về mặt cự ly các mỏ đá cách xa nơi thi công, phải di chuyển tới gần 200 km, vận chuyển bằng ô tô sau đó chuyển lên tàu di chuyển bằng đường độc đạo vào điểm bị sạt lở nên mất rất nhiều thời gian mới có thể xử lý vị trí bị sạt lở.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trước đó vào khoảng 2h sáng 30/10, tuyến đường sắt Bắc - Nam tại Km354+900 đến Km355+400 thuộc địa bàn thôn Liên Châu, xã Đức Liên, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh bị sạt lở taluy âm, đất đá đổ xuống khối lượng lớn khiến phần nền của đường sắt bị khoét sâu, hở hàm ếch. Tại một số địa điểm, mưa lớn cũng khiến nhiều đất đá, cây xanh từ trên núi sạt lở chảy tràn xuống đường ray. Vụ việc khiến các chuyến tàu không thể lưu thông qua lại suốt nhiều giờ.
Tại đây, chính quyền địa phương đã ghi nhận 4 điểm sạt lở, đất đá bị cuốn khỏi nền đường sắt. Do ảnh hưởng sạt lở, đường sắt đã phải tổ chức chuyển tải hơn 600 hành khách của 4 mác tàu qua Hòa Duyệt - Yên Trung và tạm dừng chạy tàu SE1, SE3, SE19 xuất phát tại Hà Nội, tàu SE20 xuất phát tại Đà Nẵng…