Tiếp tục kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII:

Thu hồi đất cần quan tâm đến đời sống người dân

Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII, ngày 6/11 Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự thảo (sửa đổi) Luật Đất đai, trong đó vấn đề thu hồi đất được nhiều đại biểu quan tâm bởi đến 90% các vụ khiếu kiện hiện nay liên quan đến vấn đề đất đai.


Tránh việc quy hoạch treo


Đa số các đại biểu đều tán thành về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân và phù hợp với tình hình đất nước.

 

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phát biểu ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Dương Giang – TTXVN


Góp ý vào Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng: “Trường hợp nhà nước quy hoạch ban hành kế hoạch sử dụng đất, dân chấp hành tất cả theo quy định pháp luật, song kế hoạch cứ điều chỉnh hàng năm, quy hoạch treo đó nhiều năm không làm, không thu hồi, không cho phép xây dựng sửa chữa hoặc sang nhượng, gây thiệt hại cho dân. Vấn đề này dân rất bức xúc nhưng nhà nước chưa quy định rõ quy trình hủy quy hoạch treo như thế nào, xử lý kế hoạch sử dụng đất hàng năm các huyện không thực hiện và hoàn toàn chưa có cơ chế bồi thường hỗ trợ cho dân khi mình làm sai”.


Nhiều đại biểu cũng cho rằng, nhờ quy hoạch mà giá đất tăng do chuyển mục đích hoặc đã được đầu tư cơ sở hạ tầng, giá trị tăng lên này nhà nước bổ sung vào ngân sách địa phương là hợp lý, song cần ưu tiên sử dụng hỗ trợ cho những trường hợp người có đất bị thu hồi nhưng sinh kế bất lợi hơn chỗ cũ, đồng thời nên nghiên cứu điều tiết các trường hợp nhà ở trong hốc, trong hẻm nhưng nhờ quy hoạch của nhà nước mà ra được mặt tiền sinh lợi cao thì nhà nước nên điều tiết một phần để hỗ trợ cho công tác đền bù, tái định cư dự án tại chỗ.


Để đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng tài nguyên đất, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị dự thảo luật cần bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm và thẩm quyền thu hồi đất nhằm tránh tình trạng áp dụng một cách tràn lan và quá giới hạn thu hồi đất.


Quan tâm đến chính sách


Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) góp ý: Về giá đất ở Điều 18, quy định như dự thảo luật là quá chung chung không giải quyết được mong muốn của người dân có đất bị thu hồi. Việc xác định giá đất khi nhà nước thu hồi đất thì phải tính đến phần lợi nhuận hình thành trong tương lai khi quyền sử dụng đất của người dân bị thu hồi. Làm sao phải đảm bảo cho người dân khi bị thu hồi đất có cuộc sống bình thường, hoặc bằng hoặc tốt hơn so với trước đây.


Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đề nghị tách Khoản 11 thành 2 khoản riêng quy định về thu hồi đất và thu hồi quyền sử dụng đất. Trong thực tế có trường hợp đất bị tổ chức, cá nhân lấn chiếm thì nhà nước sẽ thu hồi đất chứ không phải thu hồi quyền sử dụng đất bởi đối tượng đó không có quyền sử dụng đất. Việc thu hồi đất ở Điều 62, đại biểu Hà đồng tình với quy định chỉ thu hồi đất cho dự án phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

 

Tuy nhiên, với các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà quy định chung chung như tại Điểm g, Khoản 1, Điều 62 sẽ dẫn đến tùy tiện trong cơ chế áp dụng. Thực tế ở Hà Nội có khá nhiều dự án bị ách tắc do cơ chế đền bù giải phóng mặt bằng và theo đó là đơn thư, là khiếu kiện vô cùng phức tạp. Đã có dự án nhà thầu đòi phạt chủ đầu tư đến hàng trăm tỷ đồng do chậm bàn giao mặt bằng thi công. “Tôi đề nghị quy định thành một điều riêng về các trường hợp nhà nước thu hồi đất cho dự án phát triển kinh tế - xã hội”- đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà nhấn mạnh.


Dẫn chứng về việc này, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho biết: Là địa phương có công trình thủy điện Hòa Bình đang góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhưng đời sống của đồng bào bị ảnh hưởng do chính sách tác động về tái định cư bất cập. Cho đến nay sau hơn 30 năm tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn 45-60%, thu nhập dưới 5 triệu đồng/năm, hàng ngàn hộ dân vẫn túng quẫn tìm kế sinh nhai không biết đến bao giờ mới thoát khỏi cảnh đói nghèo. “Khi xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình chúng ta có chính sách tái định cư, bồi thường và hỗ trợ như hiện nay thì đồng bào đã bớt cơ cực nhiều. Vì vậy, tôi rất hoan nghênh quy định tại Điều 54 và mong rằng sẽ được Quốc hội ghi nhận để thực hiện cho các công trình dự án tiếp theo của nhà nước”, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đề nghị.


Một số ý kiến của đại biểu cũng nêu quan điểm: Hiện nay có tình trạng thiếu đất sản xuất ở nông dân miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số nên xảy ra tranh chấp đòi lại đất đã giao cho các nông, lâm trường trước đây khá gay gắt. Trong khi đó một số lâm, nông trường đã chuyển đổi thành các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả còn lại phần lớn là gặp khó khăn, khả năng quản lý và sử dụng đất được giao rất hạn chế và đã xuất hiện tình trạng giao khoán lại cho người dân, người dân gọi là “phát canh thu tô”, bản thân người dân phải làm thuê trên chính mảnh đất của mình mà không đủ ăn, do định mức giao khoán thường cao, chu kỳ sản xuất lâm nghiệp dài (từ 5-7 năm).

 

Vị trí này rất cần một cơ chế để giải quyết. Địa phương muốn thu hồi lại đất, doanh nghiệp, nông, lâm trường muốn tái cơ cấu sản xuất có hiệu quả đều gặp khó khăn do vướng các quy định của pháp luật. Vì vậy, nhiều đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu rà soát và bổ sung các quy định về thu hồi đất, sản xuất của các doanh nghiệp, các nông, lâm trường để phân bổ lại và điều hòa đất sản xuất, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội giữa doanh nghiệp, nông, lâm trường và của người dân.


Nguyễn Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN