Hội nghị có sự tham dự của đại diện các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị, xã hội tại điểm cầu Bộ Nội vụ và 63 điểm cầu địa phương.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì Hội nghị.
Giới thiệu những nội dung cơ bản và điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tư Long cho biết, Luật không quy định công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập; giao Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện chế độ công chức đối với người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí, phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước.
Luật sửa đổi, bổ sung cũng không quy định áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp Nhà nước. Luật bổ sung và giao Chính phủ quy định cụ thể đối với cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác (áp dụng đối với cả người có hành vi vi phạm trước ngày 1/7/2020) thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm; gắn hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.
Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Nguyễn Hữu Thành cho biết, Luật xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong việc quy định tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; quy định về tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, các đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh.
Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ khi thực hiện phân quyền, phân cấp phải gắn phân quyền với phân cấp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm các điều kiện cụ thể về ngân sách, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác; trách nhiệm của các cơ quan khi thực hiện ủy quyền và điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền. Luật bổ sung quy định cụ thể để tránh việc phân cấp, ủy quyền tràn lan, làm giảm hiệu lực quản lý trong thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức, cá nhân…
Tại Hội nghị, hàng loạt câu hỏi đã được đại diện các bộ, ngành, địa phương đặt ra, liên quan đến tổ chức biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập; danh mục vị trí việc làm; phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa UBND và Chủ tịch UBND; thu hút nhân tài, giải quyết số lượng cấp phó dôi dư theo Nghị định 107/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương)…
Băn khoăn khi Nghị định 107 quy định đối với các đơn vị sau khi sáp nhập cơ quan, tổ chức lại mà có số lượng cấp phó nhiều hơn quy định thì có lộ trình 3 năm để tiến hành sắp xếp, nhưng với các đơn vị không tổ chức sắp xếp lại mà hiện nay số lượng cấp phó cũng đang nhiều hơn so với quy định thì không điều khoản chuyển tiếp, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà đặt câu hỏi về vấn đề này và đề nghị bổ sung thêm trong điều khoản chuyển tiếp của Nghị định để bố trí sắp xếp cho phù hợp.
Giải đáp nội dung trên, quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) Nguyễn Văn Lượng khẳng định, không có điều khoản chuyển tiếp đối với đơn vị không sắp xếp lại tổ chức. Các đơn vị giữ ổn định, không sắp xếp lại mà thực hiện không đúng số lượng cấp phó thì phải tự sắp xếp. “Không có nghị định nào hướng dẫn cái sai của chúng ta cả”, ông Nguyễn Văn Lượng nhấn mạnh và đề nghị các địa phương căn cứ vào quy định của pháp luật để thực hiện cho đúng.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, số lượng cấp phó thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ. Với những đơn vị vượt quá số lượng cấp phó mà không liên quan đến việc sắp xếp, phải kiên quyết thực hiện đảm bảo đúng số lượng.
Liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn lưu ý thực hiện đúng quy định của Luật. Khi chuyển viên chức từ đơn vị sự nghiệp này sang đơn vị sự nghiệp khác phải tuân thủ Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn, theo hướng, khi viên chức có nguyện vọng chuyển đi nơi khác mà được nơi đến đồng ý tiếp nhận thì phải chấm dứt hợp đồng làm việc ở tại đơn vị đó, sang đơn vị mới ký lại hợp đồng.
"Nhiều khi tôi theo dõi thấy có đơn vị chuyển viên chức chỉ làm quyết định tiếp nhận, điều động là không đúng. Nếu chúng ta rà soát kiểm tra chắc chắn sẽ phát hiện trường hợp không đúng" - Thứ trưởng thẳng thắn.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai luật, nghị định có phát sinh các vướng mắc, những vấn đề chưa được quy định, thì kịp thời gửi Bộ Nội vụ tổng hợp, nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh kịp thời. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ nhằm thực hiện tốt Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, đảm bảo các chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương hiệu lực, hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Các đơn vị có liên quan của Bộ Nội vụ khẩn trương tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để giải đáp, thông tin kịp thời, tiếp tục nắm bắt các tình huống trong quá trình thực hiện những nội dung sửa đổi của 4 luật trên, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ kịp thời.